Đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ các tỉnh miền Trung về đậu, mua bán thủy sản ở Đà Nẵng - Ảnh: V.HÙNG
Sáng 13-7, Phó thủ tướng Lê Văn Thành - trưởng Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) - đã có cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Nhiều tàu cá vẫn đánh bắt trái phép
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế, tuy nhiên kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC thường xuyên được bộ cập nhật, báo cáo EC.
Tính đến ngày 30-6, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915 tàu (đạt 87,45%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620 tàu, đạt 90,53%...
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, EC yêu cầu Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong triển khai thực hiện, tăng cường công tác thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU. Đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay Việt Nam đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Từ đầu năm 2021 đến nay, xảy ra 32 vụ/53 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ năm 2020, giảm 7 vụ/7 tàu (năm 2020 xảy ra 83 vụ/142 tàu, năm 2019 xảy ra 145 vụ/229 tàu).
Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho biết Bộ Quốc phòng chỉ đạo quyết liệt các lực lượng vươn khơi bám biển với ngư dân, làm điểm tựa cho bà con bám biển.
"Có đợt cao điểm, bộ huy động đến 30 tàu, sử dụng cả máy bay không người lái (UAV) mở rộng phạm vi giám sát. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan thực thi pháp luật trong xử lý đối tượng môi giới, tổ chức cho ngư dân đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài" - trung tướng Bình nói.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng số lượng tàu vi phạm có giảm nhưng vẫn còn nhiều - Ảnh: ĐỨC TUÂN
Giảm dần số tàu cá vi phạm
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc EC đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam và đời sống của bà con ngư dân; ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước chúng ta gỡ "thẻ vàng" và tuyệt đối không để nguy cơ bị "thẻ đỏ".
"Chúng ta thực hiện tốt thì đời sống của bà con ngư dân được cải thiện, góp phần cải thiện hình ảnh đất nước, chúng ta thực hiện tốt thì các chỉ tiêu kinh tế về xuất nhập khẩu, phát triển thủy sản tốt hơn. Nếu không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, để sơ sẩy, bị áp "thẻ đỏ" thì ảnh hưởng rất lớn" - Phó thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm về chống khai thác IUU và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ "thẻ vàng" của EC. Tuyệt đối không để tình trạng tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp "thẻ đỏ".
"Phải tăng cường công tác thông tin, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản" - Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Dự kiến, tháng 8-2021, EC sẽ quay trở lại Việt Nam để đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.