Bộ Công thương họp tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 - Ảnh: C.D.
Chỉ ra việc xây dựng các quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng, cơ chế điều hành giá điện, đặc biệt là giá FIT với năng lượng tái tạo còn bất cập, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương cần rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện nội dung này.
Phân tích thêm, ông Thành nói với quy hoạch điện đã trực tiếp làm việc với Bộ Công thương tới 20 cuộc họp, rà soát lại cho thấy có những vấn đề chưa hợp lý. Đơn cử như việc đầu tư truyền tải rất lớn lên tới 33 tỉ USD, nhưng vẫn cần rà soát để tránh gây tổn thất, lãng phí.
Thêm nữa, cơ cấu nguồn điện cũng chưa phù hợp, giảm nhiệt điện và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, nhưng phải có tỉ lệ phù hợp với năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.
Ông dẫn chứng hiện tỉ lệ năng lượng điện mặt trời nhiều quá, lên tới 17.000 MW/77.000 MW tổng công suất nguồn điện, trong khi vận hành chung chỉ 40.000 - 43.000 MW. Việc đưa nguồn điện mặt trời vào số lượng lớn, trong khi nguồn khác giảm sẽ gây ra nguy cơ sụt giảm công suất.
Đáng chú ý, tổng công suất các nguồn điện khí, điện gió, điện mặt trời đang được các doanh nghiệp, địa phương kiến nghị bổ sung lên tới 283.000 MW. Trong khi dự kiến quy hoạch chung là 140.000 MW, dù đã giảm so với 180.000 MW dự kiến trước đây. Do đó khó có thể đáp ứng hết nhu cầu, đặt ra thực tế là phải đảm bảo tính khoa học, hiệu quả và hài hòa lợi ích.
"Tôi rất trăn trở vấn đề này. Quy hoạch điện, điều phối điện rất quan trọng, đòi hỏi tính toán sâu, kỹ càng. Phải làm cho chắc, tránh việc đầu tư phát sinh đường dây, cơ cấu nguồn điện chưa hợp lý" - ông Thành nêu.
Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng nhắc lại tình hình khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt tình trạng xuất khẩu nông, thủy sản qua Trung Quốc gặp khó khăn. Ông Thành cho rằng ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ điện.
"Cần bám sát diễn biến thị trường, xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông, đa dạng hóa thị trường. Không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc, có giải pháp căn cơ, tăng tỉ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch" - ông Thành đề nghị.