Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã họp phiên đầu tiên sau khi kiện toàn - Ảnh: VGP
Ngày 1-9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã tổ chức phiên họp đầu tiên sau kiện toàn với sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh tinh thần: Cần tính toán làm sao khi kinh tế phục hồi, tốc độ tăng trưởng cao thì vẫn chủ động được nguồn điện.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, hệ thống điện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, với tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 9,7%. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện đạt 69.342 MW, cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải song mức độ dự phòng còn thấp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, phó trưởng Ban Chỉ đạo, cho hay Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các nguồn điện (không tính nguồn năng lượng tái tạo) đang chuẩn bị đầu tư, đang đầu tư là 60 dự án với tổng công suất khoảng 61.770 MW.
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đầu tư xây dựng.
Hiện nay, Bộ Công thương đang quản lý, theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất hơn 26.000 MW. Ngoài 5 dự án đã vận hành thương mại, hiện có 3 dự án đang triển khai; 2 dự án đã ký chính thức bộ hợp đồng BOT và nhà đầu tư đang thu xếp tài chính.
Ghi nhận kết quả đạt được của ngành điện, song Phó thủ tướng cho rằng còn những bất cập, hạn chế, từ khâu quy hoạch đến khâu sản xuất, triển khai dự án… Do đó, cần đổi mới tư duy, nói rõ, nói thẳng, xử lý và đi đến cùng vấn đề để giải quyết bằng được.
"Nhìn thấy tồn tại nhưng không có nhiệt huyết, không có trí tuệ, không dám làm, dám chịu trách nhiệm thì không khắc phục được", Phó thủ tướng nêu thực tế là hiện nay, hàng chục dự án, công trình đang được triển khai mà nếu một nhà máy chậm tiến độ thì thiệt hại rất lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Với việc xây dựng Quy hoạch điện VIII, ông Thành yêu cầu quy hoạch vị trí các nhà máy một cách hợp lý, giảm thiểu truyền tải xa để giảm tiêu hao, tiết kiệm điện. Căn cứ vào các tính toán khoa học, dự báo nhu cầu sử dụng điện, truyền tải điện, cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện, bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền. Bộ Công thương được giao sớm hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ.
Đốc thúc tiến độ các dự án điện đến năm 2025, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: không được phép để thiếu điện. "Vướng ở đâu thì gỡ ở đó, vướng ở công trường thì chúng tôi xuống công trường, vướng về giải phóng mặt bằng thì xuống giải phóng mặt bằng, vướng ở thủ tục đầu tư thì các bộ, ngành tích cực tháo gỡ…".
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu khắc phục các tồn tại liên quan đến ngành điện, như rà soát, làm rõ cơ chế xác định giá thành của các nhà máy điện; rà soát cơ chế để ngăn chặn tiêu cực trong phát triển điện lực…