Phó thủ tướng: Cân nhắc kỹ việc mở 'room' 35% cho nhà đầu tư ngoại về xăng dầu

3 năm trước 280
 Cân nhắc kỹ việc mở room 35% cho nhà đầu tư ngoại về xăng dầu - Ảnh 1.

Việc nới room cho nhà đầu tư ngoại được sở hữu không quá 35% với doanh nghiệp xăng dầu nội đặt ra nhiều lo ngại - Ảnh: N.KH

Đó là yêu cầu, kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành được nêu ra trong thông báo kết luận cuộc họp về việc hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.

Trước đó, trong dự thảo của sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương xây dựng, đã đặt ra vấn đề cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, có nguy cơ gian lận, thất thoát, ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

"Do đó, cần có sự đánh giá cân nhắc nhiều mặt và xem xét kỹ lưỡng, đề nghị Bộ Công thương phân tích kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan, đánh giá được gì, mất gì về trước mắt và lâu dài đối với vấn đề này để đề xuất cụ thể" - văn bản thông báo nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu bổ sung thêm nội dung Bộ Quốc phòng được mua trực tiếp nhiên liệu để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh từ các nhà máy sản xuất, báo cáo Chính phủ theo quy định.

Với việc yêu cầu Bộ Công thương đánh giá kỹ lưỡng việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường xăng dầu, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ đề nghị xem xét kỹ lưỡng, toàn diện nội dung này cũng bởi trước đó có không ít ý kiến lo ngại từ một số bộ ngành.

Thậm chí ngay cả trong nội bộ của Bộ Công thương, có lãnh đạo từng điều hành lĩnh vực xăng dầu còn liên tiếp gửi văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét cẩn trọng nội dung này.

Vị này cho rằng, theo quy định của pháp luật trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối xăng dầu nói chung.

Các cam kết và quy định pháp luật này nhằm bảo đảm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước không bị chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế.

Đến nay, Bộ Công thương đã qua nhiều lần dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung trình Chính phủ nhưng vẫn chưa được thông qua. Trong đó, nhiều nội dung mới được đưa vào như việc dự kiến rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu còn 10 ngày/lần hay việc cho phép mở cây xăng mini để thêm nguồn cung cho những địa bàn khó khăn hoặc khu đông dân cư...

Xăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoạiXăng dầu hút thêm nhà đầu tư ngoại

TTO - Vẫn tiếp tục duy trì điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, nghiên cứu để doanh nghiệp ngoại được thuận lợi tham gia phân phối xăng dầu, cho mở cột bơm xăng mini ở đô thị đông dân cư...

Nguồn bài viết