Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ - Bài cuối: Xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho sản phẩm lâm nghiệp

2 năm trước 200
Chú thích ảnhCán bộ vườn Quốc gia Xuân Sơn trao đổi với người dân xóm Dụ, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Việc nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản, hướng tới xuất khẩu cũng đang được các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tập trung triển khai.

Chú trọng đầu tư chế biến sâu

Phú Thọ là địa phương có diện tích đất rừng sản xuất lớn trên 120.000 ha, với sản lượng gỗ đạt trên 1 triệu m3/năm. Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh phát triển. Nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đã đầu tư sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ như sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, sản xuất gỗ dán, ván ép và sản xuất gia công các sản phẩm nội thất. Ngành chế biến gỗ cũng tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong các cơ sở chế biến và cho rất nhiều lao động trồng rừng ở khu vực nông thôn, miền núi.

Đơn cử, những năm qua, Công ty Giấy Bãi Bằng liên tục có bước tăng trưởng khá, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm. Theo lãnh đạo công ty, nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào trên địa bàn, các chỉ tiêu về sản xuất giấy các loại của công ty đều vượt so với kế hoạch năm.

Hiện nay, năng lực sản xuất của công ty đã đạt 75 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm và 120 nghìn tấn giấy in, giấy viết/năm, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Quá trình sản xuất kinh doanh khép kín từ khâu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gỗ đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm giấy.

Dự kiến năm 2022, công ty sẽ khai thác 220.300 m3 gỗ nguyên liệu giấy, bằng 120% thực hiện năm 2021; đồng thời, trồng mới 1.810 ha rừng. Công ty phấn đấu sản xuất 109.500 tấn giấy các loại, tăng 7% so với thực hiện năm 2021, nộp ngân sách 124 tỷ đồng, bằng 109% thực hiện năm 2021, lợi nhuận bằng 100% ước thực hiện 2021.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Công ty Dịch vụ xuất khẩu Việt Nam cho biết, sau gần 5 năm hoạt động trên địa bàn huyện Đoan Hùng, ít khi công ty gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất. Nhờ vậy, công ty đang mở rộng sản xuất mặt hàng ván ép chủ yếu phục vụ xuất khẩu với sản lượng 7.000 - 8.000 m3 sản phẩm/năm. Để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, công ty đang tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; sử dụng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với các doanh nghiệp lớn, nhiều cơ sở chế biến lâm sản quy mô nhỏ trên địa bàn cũng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm ngày càng đa dáng hóa như gỗ xẻ, gỗ thanh, ván ép, gỗ dán và sản phẩm đồ gia dụng như giường tủ, bàn, nghế, đồ trang trí mỹ nghệ … Nhiều sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần được xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, các làng nghề mộc truyền thống cũng được huyện quan tâm duy trì, phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, ngành công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế, lao động trên địa bàn tỉnh. Riêng hai nhà máy chế biến lâm sản lớn của tỉnh là Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty Giấy Việt Trì đã chạm trần công suất thiết kế. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép và sản xuất gỗ cao cấp đang tiếp tục tăng công suất hoạt động trên đia bàn.

Hiện tỉnh hiện có 178 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô vừa, khoảng 2.100 cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình. Chỉ tính giai đoạn 2016 - 2021, ngành chế biến gỗ, giấy trên địa bàn tỉnh đã đạt mức tăng trưởng khá, trên 9%/năm, đưa giá trị sản xuất năm 2021 lên trên 9.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 sẽ cao hơn. Các sản phẩm có đóng góp có trong giá trị sản xuất công nghiệp như gỗ xẻ 200 nghìn m3, giấy bìa 243 nghìn tấn, ván bóc 125 nghìn tấn,  gỗ ghép thanh 110 nghìn m3, ván ép 90 nghìn m3.

Xây dựng chiến lược phát triển lâu dài

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ, giấy có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ cũ, chưa có khả năng tạo bước phát triển đột phá. Theo đó, sản phẩm phục vụ nội địa là chính, mẫu mã, chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là sản phẩm truyền thống. Như vậy, tuy phát triển khá nhanh, nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu trong nước.

Theo Sở Công Thương tỉnh, để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung rà soát các cơ sở, doanh nghiệp chế biến dăm gỗ hiện có, xác định các cơ sở đủ điều kiện tiếp tục sản xuất và không cấp phép đầu tư mới đối với các cơ sở sản xuất dăm gỗ. Đồng thời, tỉnh cũng có cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư đối với các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm lâm sản quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Cụ thể, cơ chế hỗ trợ đối với các dự án đầu tư nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gỗ ván MDF, HDF được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 5 tỷ đồng/nhà máy để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, điện nước, nhà xưởng và xử lý chất thải. Đây là động lực khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm chế biến tinh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đồng thời, tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và phát triển lâm nghiệp bền vững. Tỉnh tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước đối với hoạt động chế biến gỗ, thực hiện các chức năng định hướng, giám sát, kiểm tra và hướng dẫn, tạo điều kiện, tạo môi trường để các đơn vị chế biến gỗ phát triển sản xuất kinh doanh tạo ra các sản phẩm tinh chế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh Phú Thọ cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ với quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, đẩy mạnh việc chuyển hóa và trồng rừng gỗ lớn; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức thúc đẩy hình thành mô hình quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (Chứng nhận Quản lý rừng bền vững); phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ khuyến khích phát triển ngành theo hướng chế biến sâu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường xuất khẩu, giảm tối đa việc xuất khẩu dăm gỗ, ván bóc như hiện nay; sắp sếp sản xuất các sản phẩm phù hợp với quy mô nguyên liệu từng vùng để phát triển bền vững ngành chế biến lâm sản.

Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức lại ngành công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng duy trì số lượng hiện có; đồng thời tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cấp trang thiết bị; đầu tư xây dựng mới một số cơ sở chế biến gỗ có quy mô, ứng dụng công nghệ cao; bố trí hợp lý xây dựng nhà máy ở khu vực miền núi, phát triển dịch vụ hỗ trợ cho ngành; khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ tham gia trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Tỉnh chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến lâm sản, cung cấp nguyên phụ liệu  cho sản xuất gỗ, giảm nhập khẩu.

Tỉnh Phú Thọ cũng kiến nghị Chính phủ cân đối khi phát triển ngành công nghiệp gỗ, giấy sản xuất trong nước; điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu từ nước ngoài tạo điều kiện cho các thị trường sản xuất phát triển bền vững.

Nguồn bài viết