Năm 2024, thành phố Hạ Long đã xây dựng và triển khai các đề án “Hạ Long - thành phố của hoa”, “Hạ Long - thành phố của lễ hội”. Từ đó, hằng năm, thành phố tổ chức các hoạt động lễ hội như chương trình chào Hè trong dịp 30/4 - 1/5, chương trình Carnaval Hạ Long vào mùa Hè và mùa Đông, lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và tổ chức các hội thảo quảng bá xúc tiến du lịch.
Các sản phẩm du lịch của Hạ Long được quan tâm phát triển phù hợp với từng khu vực riêng biệt, từng phân khúc thị trường khách du lịch, duy trì, phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch mới như: Điểm check-in hồ Hải Thịnh, tuyến phố đi bộ Bài Thơ, khu trưng bày giới thiệu giá trị Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long tại hang Đầu Gỗ, điểm check-in vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng di sản tại đảo Ti-Tốp, tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng…
Thành phố tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao. Nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng được hình thành như “Phố đêm du thuyền” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; dịch vụ nghe nhạc trên các tàu nhà hàng, tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long; sản phẩm du lịch du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên vịnh Hạ Long. Sản phẩm lưu trú đẳng cấp trên bờ và trên vịnh Hạ Long; phố đi bộ ẩm thực Bãi Cháy; sân golf; dịch vụ đi thủy phi cơ ngắm vịnh Hạ Long, cùng các hoạt động trình diễn ca nhạc… được tổ chức thành công tạo điểm nhấn ấn tượng đối với du khách.
Các sản phẩm du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm được đưa vào phục vụ du khách trên cơ sở khai thác, phát huy thiên nhiên núi rừng, bản sắc văn hóa vùng cao như Amvap Farm ở xã Kỳ Thượng, khu vực du lịch canh nông tại thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, Man’s Farm ở xã Thống Nhất, vườn hoa Hạ Long ở phường Việt Hưng hay Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả.
Hiện nay, thành phố Hạ Long tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai sản phẩm du lịch về đêm như khu ẩm thực, chợ đêm, khu phố cổ, các quán bar bãi biển ở các khu vực: Công viên Đại Dương, khu marine của Tập đoàn BIM Group ở phường Hùng Thắng và khu vực Cảng tàu quốc tế Tuần Châu.
Những năm qua, Hạ Long là địa phương tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn như Lễ hội Carnaval Hạ Long, Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Carnaval mùa Đông, các môn thi đấu SEA Games 31, Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc... và các hội thảo quảng bá xúc tiến du lịch hằng năm.
Thời gian tới, thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, làm cho di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng, tạo ra sự đột phá phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội, phát triển hệ sinh thái du lịch Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn, trọn vẹn bốn mùa.
Thành phố tập trung khai thác hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối, mở rộng không gian phát triển du lịch, đặc biệt là khu vực phía Bắc theo hướng phát triển nhanh và bền vững, gắn với khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh. Đồng thời, thành phố bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, truyền thống văn hóa người dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch bền vững; từng bước hình thành các tour, tuyến liên thông, hấp dẫn, giữ chân và tăng mức chi tiêu của du khách trên địa bàn.
Hạ Long chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực thực hiện đầu tư các dự án quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch nhằm phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp, chất lượng cao như khách sạn, nhà hàng tiêu chuẩn, trung tâm thể thao, nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch cộng đồng, làm mới các sản phẩm du lịch về đêm. Địa phương từng bước nghiên cứu các loại hình du lịch mới, phù hợp thị hiếu và xu thế phát triển như du lịch hội nghị, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch canh nông, du lịch thể thao, du lịch sự kiện, du lịch điện ảnh, nhiếp ảnh…
Thành phố phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên cơ sở khai thác có hiệu quả các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán tại các xã Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Hòa Bình. Bên cạnh đó là phát huy hiệu quả các Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y tại xã Bằng Cả, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu núi Đá Chồng ở xã Bằng Cả, điểm bay dù lượn Đông Bắc Quảng Ninh tại xã Sơn Dương và các vùng sản xuất hoa, cây ăn quả tập trung tại các xã Sơn Dương, Dân Chủ, Quảng La.
Ngoài ra, thành phố quy hoạch, lựa chọn, trồng các loại cây cảnh quan, cây có hoa bốn mùa phù hợp với thổ nhưỡng của từng khu vực trên địa bàn; nghiên cứu trồng hoa anh đào tại xã Kỳ Thượng… để dần hình thành sản phẩm du lịch gắn với các mùa hoa, phát triển du lịch điện ảnh, nhiếp ảnh.