Phát triển khoa học và công nghệ tại các địa phương-Bài cuối: Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế xã hội 

2 năm trước 193

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục hồi kinh tế, tạo động lực phát triển của các địa phương, ngành khoa học và công nghệ nói chung cùng các sở khoa học và công nghệ nói riêng đã tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đột phá" để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Chú thích ảnhCác Trung tâm điều khiển xa đang được các công ty điện lực tích cực triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Đưa các nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào ứng dụng dụng, chuyển giao

Năm 2021, các địa phương triển khai 2.104 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 597 nhiệm vụ chuyển tiếp. Các nhiệm vụ tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và chuyển giao công nghệ phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. 

Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các nhiệm vụ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia như: Chương trình Nông thôn miền múi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gen, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ,giải quyết các vấn đề cấp thiết của các  địa phương... Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ giúp địa phương giải quyết những vấn đề lớn, cũng như những thách thức đang đặt ra từ thực tiễn của sản xuất như: Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, vùng và quốc gia theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi giá trị sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ trong phòng chống thiên tai: lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh...

Ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương cho biết: Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tuyển chọn được 4 giống nho có tiềm năng, năng suất cao và ổn định, chất lượng phù hợp với chế biến vang nho; sinh trưởng khỏe, có khả năng chống chịu sâu bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái ở Ninh Thuận; xây dựng phần mềm nhận dạng nhanh một số loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới nhập nội (lê, đào và dâu tây) tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; sản xuất thử nghiệm giống và dược liệu từ nguồn gen Muồng truổng (Zanthoxylum avicennae (Lamk) ở Hà Tĩnh; nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất lượng thuốc kháng sinh lưu hành trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; nghiên cứu tình hình bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng người dân Thừa Thiên - Huế...

Trong quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội địa phương, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhấn mạnh về phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, vì vậy, các địa phương chú ý đến vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm đặc thù địa phương cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thời gian qua, liên quan đến phát triển tài sản trí tuệ, công tác xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp đã được đẩy mạnh, tính trung bình hai năm2020-2021 triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đã lên 73.194 đơn/năm, tăng gấp gần 2 lần so với trung bình giai đoạn 2016-2019, đối tượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp là 43.564 văn bằng/năm, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình giai đoạn 2016-2019. Ngoài ra các địa phương đã chú trọng đến việc tăng cường hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, điển hình, năm 2021 vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận đã trở thành 2 chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản.

Phát triển bền vững, gia tăng giá trị

Chú thích ảnhMô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao nhà màng tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và kinh doanh nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt 47 tỷ USD. Theo báo cáo của địa phương năm 2021, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, Cộng hòa Czech, Australia, Mỹ, Đức... cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, tại Lạng Sơn, Na Chi Lăng, Hữu Lũng được trồng trên diện tích hơn 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tại hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc 2022 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Khoa học và Công nghệ đã tập trung hướng vào một số lĩnh vực mũi nhọn như: Thủy - hải sản; khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hoá, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, quy mô công nghiệp và trang trại, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn trong chăn nuôi, phát triển cây ăn trái, rau, hoa đang là các mô hình được cả nước quan tâm.

Lĩnh vực khoa học nông nghiệp là lĩnh vực chiếm tỷ lệ nghiên cứu, ứng dụng lớn nhất của hầu hết địa phương, kết quả của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, ngành khoa học và công nghệ tập trung nghiên cứu hoàn thiện và phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp, sản phẩm có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Ngành khoa học công nghệ cùng với các địa phương tập trung nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, phát triển bền vững.

Nguồn bài viết