Phát triển hạ tầng số tạo động lực chuyển đổi số

7 tháng trước 63

Hạ tầng đi trước một bước

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2024 mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã trao giấy phép thiết lập mạng 5G cho Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT. Lãnh đạo hai tập đoàn này cam kết phát triển hạ tầng và mạng lưới 5G, cung cấp nhiều dịch vụ tốt và hiện đại hơn nữa cho xã hội, cho người dân.

Chú thích ảnhNhà mạng triển khai thiết lập mạng 5G.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Không gian phát triển mới thì chủ yếu là không gian số. Không gian mới cần hạ tầng mới, đó là hạ tầng số. Trong vòng từ 10 năm đến 30 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của ngành: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số”.

Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), phải coi hạ tầng số quốc gia là tài nguyên của quốc gia. Vì vậy, phát triển hạ tầng số quốc gia luôn phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia ổn định, bền vững. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng…; bảo đảm năng lực tính toán, truyền tải, tính ổn định, tin cậy và an toàn.

Cùng với việc triển khai thương mại hoá mạng 5G, Việt Nam đang hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh, bám sát quy hoạch vùng năng lượng; bảo đảm các trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn; nâng cao hiệu suất và khai thác hiệu quả các trung tâm dữ liệu hiện có.

Bên cạnh đó, Việt Nam ưu tiên, khuyến khích sử dụng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách linh hoạt, ổn định và hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thông tin mạng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, Việt Nam phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế phục vụ nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu trung tâm dữ liệu khu vực, có điểm cập bờ tại các vị trí thuận lợi dọc bờ biển.

“Việc phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế như phương án của quy hoạch sẽ đa dạng các hướng kết nối, cân bằng tải cho các tuyến cáp viễn thông trên biển hiện đang sử dụng, đảm bảo an toàn mạng lưới, tối ưu chất lượng dịch vụ, tiến tới làm trung gian trung chuyển lưu lượng Internet cho các nước trong khu vực”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Xét về hạ tầng điện toán đám mây, theo đánh giá của Cục Viễn thông, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi. Hiện nay, hạ tầng điện toán đám mây của Việt Nam chủ yếu đang do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, với khoảng 80% thị phần nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Amazon...

Với định hướng phát triển điện toán đám mây, hướng tới doanh thu từ thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đạt tối thiểu 1% GDP (khoảng 4,7 tỷ USD) vào năm 2025 là một con số tham vọng. Việc phấn đấu đạt mục tiêu trên sẽ mở ra thị trường lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có 100% cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp. “Để đạt được mục tiêu này, Nhà nước có những chính sách và giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước”, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết.

Hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số

Một điểm đáng lưu ý trong định hướng phát triển hạ tầng TT&TT là ưu tiên sản phẩm Make in Viet Nam; sử dụng sản phẩm, giải pháp do người Việt Nam làm chủ nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia. Phát triển nền tảng số như một hạ tầng mới nhằm triển khai nhanh, toàn dân, toàn diện các hoạt động thiết yếu của xã hội trên môi trường số.

Hạ tầng TT&TT với sản phẩm Make in Viet Nam đáp ứng việc tạo lập, truyền tải, lưu trữ, xử lý, chia sẻ dữ liệu số an toàn, tin cậy, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, góp phần tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh.

Tầm nhìn đến năm 2050 là hạ tầng TT&TT phải bảo đảm tăng cường thông minh dựa trên dữ liệu và các công nghệ mới; xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bao phủ, kết nối đa tầng không gian và đa chiều giữa các tầng; hợp nhất an toàn toàn bộ thế giới vật lý với thế giới số nhằm thích ứng trước mọi biến động phức tạp, khẩn cấp; mở rộng không gian hoạt động; đáp ứng phát triển bền vững mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.

“Đến thời điểm hiện nay, hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số đã dần hình thành qua việc triển khai các nhiệm vụ theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số của Thủ tướng Chính phủ. Người dân, doanh nghiệp ngày càng tiếp cận, khai thác, sử dụng càng nhiều dịch vụ số do cơ quan nhà nước, chính quyền cung cấp. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ số của chính quyền, nâng cao trải nghiệm sử dụng để các dịch vụ số được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp một cách thuận tiện, đặc biệt là người dân không phải khai báo lại thông tin cá nhân của mình khi thực hiện dịch vụ với cơ quan nhà nước”, ông Nguyễn Phú Tiến cho biết.

Nguồn bài viết