Cơ chế thu hút đầu tư
Có nhiều mục tiêu cho mô hình công nghiệp mới như khuyến khích kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; học hỏi và cải tiến công nghệ, chọn lọc ngành, chia sẻ thông tin và hợp tác, cải thiện năng suất và thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp..., nhưng theo các chuyên gia đã đến lúc TP Hồ Chí minh chuyển cách tiếp cận chính sách từ "đuổi theo" sang "cận biên". Nói khác đi TP Hồ Chí Minh không còn tiếp tục phát triển dựa trên các lợi thế cạnh tranh sẵn có, thay vào đó phải phát triển các lợi thế so sánh mới.
Mô hình thích hợp dài hạn và bền vững cho giai đoạn hậu công nghiệp của các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh là mô hình khu công nghiệp sinh thái kết hợp với đô thị, thương mại, dịch vụ. Tất cả khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu tại TP Hồ Chí Minh phải có lộ trình từng bước tiệm cận với khu công nghiệp sinh thái bởi đó là xu hướng tất yếu trên thế giới, phù hợp với bối cảnh siêu đô thị của thành phố.
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm tại khu công nghiệp Hiệp Phước và xây dựng một khu công nghiệp mới theo tiêu chí khu công nghiệp sinh thái. Tuy vậy, thách thức lớn đối với TP Hồ Chí Minh là chi phí tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, di dời doanh nghiệp không đạt chuẩn về công nghệ và môi trường, nâng cấp công nghệ và thu hút dự án đầu tư theo tiêu chí...
UBND TP Hồ Chí Minh cũng ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 01/03/2021 phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mục tiêu xây dựng khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai có diện tích 668 ha là khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và quản lý Fulbright cho hay, phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng bất kể theo mô hình nào thì vai trò của nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn trung, dài hạn là vô cùng quan trọng. Chiến lược công nghiệp thường mất nhiều năm nên đòi hỏi phải có khả năng huy động nguồn vốn trung, dài hạn với chi phí vốn thấp mới có thể cạnh tranh được với các nước khác.
Bên cạnh việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách mang tính chiến lược và ở tầm quốc gia tại địa phương thì tinh thần tiên phong trong sáng tạo và thử nghiệm các mô hình công nghiệp hóa mới là rất quan trọng. Hiện TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam trên địa bàn thành phố và cần sáng tạo được những công cụ huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển công nghiệp, thay vì phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng hiện nay.
Ngoài vai trò quy hoạch, bố trí quỹ đất và hỗ trợ đầu tư một phần cơ sở hạ tầng của cụm ngành, chức năng điều tiết chính sách và điều phối nguồn lực của chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển một cụm ngành trong giai đoạn đầu là rất quan trọng. Với định hướng phát triển mô hình cụm ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, điểm mấu chốt là đầu tư khoa học công nghệ nói chung, nghiên cứu và phát triển (R&D) nói riêng của TP Hồ Chí Minh phải tương xứng.
Những vấn đề nêu trên không chỉ có vai trò "quốc sách hàng đầu" mà trực tiếp là sứ mạng dẫn dắt, làm bật lên sức cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của TP Hồ Chí Minh trong tương lai. Để những mô hình khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm hay mô hình cụm ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao mà thành phố đang thúc đẩy thực sự hiệu quả thì chi tiêu cho khoa học công nghệ phải tăng lên một mức có ý nghĩa trong giai đoạn tới.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần xác định những ngành công nghiệp trọng yếu nào đang cần công nghiệp hỗ trợ để phát triển cho những ngành công nghiệp này. Trong xu thế tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi tất cả quốc gia đều tổ chức mô hình sản xuất công nghiệp hỗ trợ đảm bảo có lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Mở rộng liên kết
Ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh không nên chỉ bó hẹp phạm vi trong địa giới hành chính của thành phố mà phải tiếp cận theo hướng mở rộng ra toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trực tiếp là liên kết công nghiệp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế là chiến lược không thể xem nhẹ nhằm tăng khả năng hấp thu tri thức và công nghệ, tăng cường kết nối với các trung tâm R&D, Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Để thực hiện được mục tiêu này, lĩnh vực dịch vụ công của nhà nước như thuế, hải quan, giấy phép,... phải được tổ chức theo mô hình dịch vụ một cửa, tự động và chuyên nghiệp, chuyển từ cách tiếp cận theo giải pháp sang cách tiếp cận theo vấn đề, từ nhu cầu độc lập sang phụ thuộc lẫn nhau và từ lợi ích đơn sang lợi ích mạng lưới. Cơ quan điều phối phải đảm bảo duy trì liên tục và thông suốt các kênh liên lạc hữu hiệu giữa thành viên trong mạng lưới, đối tác bên ngoài...
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, về chính sách nên bổ sung ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng toàn phần hoặc từng phần công nghệ cao như: trang thiết bị công nghệ cao, nguyên vật liệu là sản phẩm, giải pháp... trong sản xuất sản phẩm thông thường.
Song song đó, chính sách kêu gọi vào khu công nghiệp cần bổ sung thêm đối tượng sản xuất sản phẩm thường, nhưng sử dụng vật liệu, thiết bị, giải pháp công nghệ cao và cho phép họ được thụ hưởng ưu đãi để góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghệ cao.
Về kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ, ông Byun Ki Jung, Giám đốc Văn phòng đại diện Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc - Kitech tại Việt Nam chia sẻ, ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cần có chính sách quốc gia về thúc đẩy định hướng và phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn. Song song đó, chính quyền địa phương tăng cường sáng tạo trong các lĩnh vực, hướng đến nền công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ thông minh và số hóa.
Trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh xác định ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững và lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố.
Trước thực trạng trên, ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và khai thác tốt lợi thế tiềm năng của ngành, nhất là tận dụng hiệu quả tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, việc hình thành và đi vào hoạt động khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cũng được TP Hồ Chí Minh xác định là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang thúc đẩy đa dạng cơ chế chính sách để từng bước tiến đến hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, cùng với cơ chế, chính sách cần thiết cho việc hình thành, quản lý hoạt động của khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của thành phố, rất cần sự đồng hành của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo ông Võ Văn Hoan, đối với việc hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, TP Hồ Chí Minh đang tham vấn và trao đổi với chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về kinh nghiệm kêu gọi thu hút đầu tư nhằm đề xuất, hiến kế cho thành phố những giải pháp hiệu quả. Cùng với đó là những mô hình hoạt động, vận hành của khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phù hợp với vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao thì điều kiện tiên quyết là phải định vị được vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cơ chế chính sách cần thiết cho việc hình thành, quản lý hoạt động... Hay vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc tham gia hoạt động tại khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phải đảm bảo đáp ứng những tiêu chí và quy định nào để phù hợp với điều kiện của TP Hồ Chí Minh và thông lệ quốc tế.