Phát huy vai trò của cán bộ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội

7 tháng trước 41
Chú thích ảnhTỉnh Vĩnh Long tổ chức biểu dương các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới (Chỉ thị số 21), công tác phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến mới cả về chất lượng và số lượng phụ nữ tham gia đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống chính trị tại các địa phương.

Thành quả đan xen nhiều khó khăn

Tại các tỉnh phía Nam, việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21 đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trong các khâu công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm... đã tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Qua đó, công tác phụ nữ thường xuyên được chăm lo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, sức sáng tạo, đóng góp vào các thành tựu chung tại các địa phương. Nhiều cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu; trong đó, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp cơ sở cao nhất trong 3 khu vực và cao gần gấp đôi chỉ tiêu 15% theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng (28,6%). Tỷ lệ nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy cao nhất so với 2 khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên.

Nhiều tỉnh, thành phố được nhắc đến với con số “nhất, nhì” của cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước về tỷ lệ nữ cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở và tiếp tục dẫn đầu khu vực về tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ở cả 3 cấp. Bình Phước cao thứ 2 cả nước về tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh. Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cao nhất so với nhiệm kỳ trước về nữ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Hậu Giang tăng cao nhất về tỷ lệ cấp ủy cấp cơ sở. Trà Vinh có 100% cấp ủy viên cấp tỉnh dưới 40 tuổi đều là nữ. Bạc Liêu cao nhất khu vực khi có tới 1 nửa số đại biểu Quốc hội là nữ. Sóc Trăng có tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số cao nhất, đạt 33,3%, xếp hạng 2 trong khu vực và hạng 5 toàn quốc về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, công tác phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng lao động nữ trong cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội chưa cao, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và lãnh đạo còn thấp. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số là lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ. Cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc tạo nguồn còn thiếu những giải pháp thực sự căn cơ. Ở một số nơi, năng lực tham mưu, đề xuất của Hội Phụ nữ trong thực hiện cũng như trong giải quyết những vấn đề liên quan còn hạn chế, thiếu chủ động. Tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên thấp nhưng các giải pháp thiếu kịp thời, hiệu quả, chưa phát huy được thế mạnh của lực lượng phụ nữ thuộc nhóm “dẫn dắt” như: nữ quản lý, lãnh đạo, nữ doanh nhân, nữ trí thức; thiếu mô hình hiệu quả để mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng phụ nữ.

Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang, về công tác cán bộ nữ, 9/19 tỉnh, thành phố chưa đạt chỉ tiêu 15% nữ cấp ủy viên cấp tỉnh; một số tỉnh, thành phố có phần lớn số xã không có nữ trong Ban Thường vụ. Cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh (85,6% xã), Bạc Liêu (82,8%), Bến Tre (77,1%), Trà Vinh (75,5%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của khu vực phía Nam mới đạt 28,22%, thấp hơn so với toàn quốc và 2 khu vực còn lại và chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 30%. Vẫn còn tỉnh chưa có nữ đại biểu Quốc hội (Cà Mau). Nhiều tỉnh, thành phố chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu HĐND các cấp (cấp tỉnh có 11 tỉnh, thành phố; cấp huyện 10 tỉnh, thành phố; cấp xã 14 tỉnh/thành). Nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga là do chế tài thực hiện chưa đủ mạnh, thiếu các biện pháp xử lý rốt ráo và đồng bộ. Những rào cản về thể chế (tuổi nghỉ hưu, tuổi bổ nhiệm, tuổi quy hoạch...) đã ảnh hưởng không nhỏ tới cơ hội tham gia lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ. Một số cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương còn thiếu sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt với các biện pháp cụ thể, chặt chẽ; chưa có chiến lược tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ dẫn đến không chủ động, thiếu hụt nguồn nhân sự nữ đảm bảo tiêu chuẩn để xem xét đề bạt, bổ nhiệm khi có vị trí.

Cùng đó, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ và nam giới vẫn còn tồn tại khá nặng nề khiến chị em ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhất là các vị trí có tầm ảnh hưởng. Sự phối hợp giữa Hội Phụ nữ với các ngành liên quan chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chủ động tham mưu cho cấp ủy về công tác cán bộ nữ. Một bộ phận phụ nữ, cán bộ nữ chưa nỗ lực phấn đấu rèn luyện, vẫn còn tư tưởng tự ti, bằng lòng, chưa mạnh dạn, chủ động và sẵn sàng khi được luân chuyển để rèn luyện, trưởng thành hơn.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tiếp tục phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội và đời sống chính trị tại các địa phương, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Hội Phụ nữ các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em bằng nhiều hình thức da dạng, phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, Hội Phụ nữ các tỉnh, thành phố nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Ngân hàng Nhà nước và Hội trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả hoạt động các chính sách về tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn phù hợp.

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đề nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố cần nắm chắc tình hình phụ nữ và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới trên địa bàn, từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với yêu cầu thực tiễn; tham mưu giải quyết đúng, trúng những vấn đề liên quan; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội nhằm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.

Ban Dân vận các Tỉnh ủy, Thành ủy lắng nghe, tiếp thu ý kiến và đánh giá đúng tình hình nhân dân, phụ nữ ở địa phương; xác định cụ thể các vấn đề liên quan đến phụ nữ, đến công tác phụ nữ tại địa bàn, trên cơ sở đó có những tham mưu cụ thể cho cấp ủy trong việc xác định các cơ chế ưu tiên của địa phương để tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách hiện có nhằm từng bước giải quyết các vấn đề đã nêu ở trên.

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho rằng, để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống chính trị, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực triển khai hiệu quả Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định và nguồn lực từ cộng đồng, xã hội là cần thiết.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương Trương Thanh Nga nêu rõ, với tỷ lệ lao động nữ 56%, tỉnh tiếp tục mở rộng tính liên hiệp để tăng cường vai trò đại diện, xây dựng, phát huy sự tham gia, vai trò của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao như: đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nữ doanh nhân, nữ trí thức...; tham mưu ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án, dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau: Nghị quyết quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động... trong đó bổ sung chế độ nghỉ thai sản đối với nữ là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chế độ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố...

Nguồn bài viết