Phong tỏa ở Trung Quốc, doanh nghiệp Việt 'ngồi trên đống lửa' vì lo đứt nguồn hàng

2 năm trước 226
Phong tỏa ở Trung Quốc, doanh nghiệp Việt ngồi trên đống lửa vì lo đứt nguồn hàng - Ảnh 1.

Tiếp nhận container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như "ngồi trên đống lửa" do kéo dài thời gian giao hàng. Câu chuyện giảm phụ thuộc vào một thị trường được nói từ lâu nhưng xem ra không đơn giản.

Bị trì hoãn, chậm giao hàng

Hơn một tuần qua, ông T.V.H. - tổng giám đốc một công ty sản xuất lắp ráp ôtô tải có nhà máy đặt tại huyện Củ Chi, TP.HCM - ngóng lô hàng cụm linh kiện, phụ tùng ôtô bị chậm giao hàng do ảnh hưởng từ việc tắc nghẽn ở cảng biển của Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát phòng dịch COVID-19 trên cả nước, bao gồm các trung tâm sản xuất chính như Thâm Quyến và Đông Hoản, đã làm tê liệt nhiều nhà máy sản xuất hàng hóa. Có lúc, nhiều nơi cùng bị phong tỏa.

Theo ông H., trước đây khi đặt hàng và vận chuyển bằng đường biển thì khoảng 35 ngày sau là nhận được nhưng nay đã kéo dài hơn 10 ngày so với dự kiến. Thậm chí, trước đây có thể hàng chuyển đi bằng đường tàu lửa, đường bộ nhưng nay cũng bị gián đoạn, đưa doanh nghiệp vào thế chọn lựa duy nhất là đường biển.

"Từ đầu năm đến giờ, công ty tôi đã chậm hai lô hàng nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán lại với đối tác. Một phần mong họ thông cảm, hai là đền hợp đồng" - ông H. nói và cho biết mỗi lô hàng nhập về là 20 container gồm các loại linh kiện ôtô trị giá hơn 1 triệu USD.

Các tàu nhập và xuất hàng ở cảng biển vẫn mở cửa nhận trả hàng nhưng số lượng tàu neo đậu gia tăng với số lượng lớn, thời gian làm hàng chậm khiến thời gian chở hàng đến các điểm khác kéo dài, làm tăng chi phí rất lớn. Một số hãng tàu chở hàng đã thông báo buộc phải thay đổi hành trình, tìm phương án mới để hạn chế sự trì hoãn. Theo ông H., cảng biển căng thẳng nhất vẫn là Diêm Điền của Trung Quốc - cảng lớn thứ ba thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thông - giám đốc công ty chuyên nhập khẩu các linh kiện máy động cơ đốt trong ở quận 7 (TP.HCM) - cũng cho hay các đơn hàng lẻ từ Trung Quốc nhập về Việt Nam trong thời gian này đang bị "delay". Nếu trước đây sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh giao tận nơi nhưng nay bị cấm biên, doanh nghiệp cũng tạm đứt gãy đường chuyển hàng. "Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi vẫn nhập được hàng nhưng thời gian chắc chắn sẽ chậm hơn rất nhiều, thậm chí giá các loại bugi dành cho động cơ đốt trong cũng đang trên đà tăng" - ông Thông than.

Giá cước vận tải biển tăng

Không chỉ lo ngại nguồn cung bị khan hiếm, doanh nghiệp cũng lo ngại việc tắc nghẽn ở các cảng biển sẽ khiến chi phí vận tải biển bị đội lên. Trước dịch chi phí vận chuyển một container 40 feet từ cảng biển Trung Quốc đến cảng Cát Lái (TP.HCM) khoảng 1.100 USD, còn hiện nay đang dao động từ 2.500 - 2.800 USD, cao điểm lên 3.400 USD. Ở mức giá này doanh nghiệp có thể "gồng" được, nhưng nếu tăng tiếp sẽ là nỗi lo lớn.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - chủ tịch Công ty vận tải và xếp dỡ Hải An, tàu 15.000 - 16.000 teu trước đây chỉ chạy 55 ngày từ Trung Quốc đến châu Âu, bây giờ mất 80 - 100 ngày.

Cho hay đối tác ở bên Trung Quốc thông tin đang từng bước được nới lỏng, tổng giám đốc một doanh nghiệp lắp ráp lớn ở TP.HCM cho rằng nếu tình hình kéo dài thì doanh nghiệp Việt sẽ vất vả hơn. Hầu hết các doanh nghiệp đang gượng dậy sau dịch nên không đủ nguồn lực hoặc mạnh để "ôm hàng", giờ ở trong tình thế đặt hàng và chờ. Ông này chia sẻ thêm và cho rằng bài toán đa dạng hóa nguồn cung ứng rất khó, nhưng có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp Việt và cơ quan chức năng phải tính đến một cách bài bản và thực chất, nếu muốn phát triển bền vững, dù điều này sẽ làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận.

Vận tải biển: chi phí tăng, nhiều rủi ro

Để xuất hàng bằng đường biển sang Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cho hay tốn 8.000 - 9.000 USD/container lạnh tùy thời điểm (giá chuyển container lạnh cao hơn container thường), tăng gấp 5-6 lần so với bình thường. Nếu lô hàng bị Trung Quốc trả lại vì liên quan đến COVID-19 thì chi phí sẽ gấp đôi. Tuy nhiên, nhiều thời điểm đặt lịch cả tháng nhưng vẫn không có container để xuất.

Theo nhiều doanh nghiệp, hiện các cảng lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu... đều áp dụng các biện pháp giám sát dịch bệnh. Các lô hàng nhập cảng phải xếp hàng để chờ đến lượt test COVID-19, có thể test ngẫu nhiên hoặc 100%, nếu có virus COVID-19 thì quy mô test sẽ mở rộng, thậm chí có khả năng buộc tiêu hủy, nên rất rủi ro.

N.TRÍ

Bán hàng online cũng bị ảnh hưởng

Chị Duyên, có thâm niên hơn 10 năm lấy hàng từ Trung Quốc về bán cho mối sỉ và cả bán lẻ tại Việt Nam, cho biết cả tháng nay không có hàng về. "Tôi có kho hàng ở TP Đông Hưng (Trung Quốc) và kho ở Móng Cái. Tuy nhiên khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch cửa khẩu, cả tháng nay không có hàng về", chị Duyên cho biết.

Do không có hàng để bán nên chị Duyên phải xoay xở bán các mặt hàng thời vụ tại Việt Nam như vitamin, kẹo ngậm, bột gừng sấy lạnh, thực phẩm…

Chị Kim - một đầu mối chuyên làm dịch vụ vận chuyển hàng cho các shop tại Việt Nam - cũng cho hay gần đây khi các cửa khẩu lớn đóng cửa, chị mở mới điểm nhận và đóng hàng tại Quảng Châu. Tuy nhiên, chị cho biết cũng rất lo vì nơi đây cũng bắt đầu dịch trở lại. Chị xoay qua gom hàng đi đường biển và đường hàng không.

"Trước đây hàng chủ yếu đi đường bộ, nhanh gọn, có khi 2 - 5 ngày hàng về tới Hà Nội và 7 - 10 ngày hàng tới TP.HCM. Giờ chuyển qua đi đường biển chắc nhanh cũng phải tầm 15 ngày mới về tới TP.HCM. Lo vì khách lẻ chờ lâu sẽ hủy mua hàng", chị Kim nói.

Chị Hằng (TP.HCM) - một người thường mua hàng online - cho hay gần đây chị đặt mua hàng cũng hay gặp tình trạng bên bán báo chị chờ ít thì 20 ngày, lâu thì 4-5 tuần trong khi trước đây nhận hàng rất nhanh. "Có bên bán hàng nói không biết khi nào hàng về nên nói tôi nếu chờ được hãy đặt, họ cũng không chủ động được như trước", chị Hằng nói.

ÁNH HỒNG

Khi Trung Quốc phải Khi Trung Quốc phải 'bấm nút dừng'

TTO - Ngày 15-3, Trung Quốc công bố số ca mắc COVID-19 tăng vọt và nhiều biện pháp chống dịch tại các trung tâm sản xuất, công nghệ, cửa khẩu.

Nguồn bài viết