Ba luật sư bảo vệ bà Trần Tố Nga tại tòa ở Evry ngày 25-1. Từ trái sang: luật sư chính William Bourdon cùng hai cộng sự Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt - Ảnh: VTD
Người phụ nữ gốc Việt Trần Tố Nga ra tòa với sự bảo vệ của luật sư chính William Bourdon cùng hai cộng sự Amélie Lefebvre và Bertrand Repolt. Trông họ như bị lấn át trước đội ngũ hùng hậu 14 luật sư của bên bị đơn.
Dối trá để phủi trách nhiệm
Thật sự là trước tòa, cánh luật sư của các tập đoàn hóa chất đa quốc gia vẫn tỏ thái độ trịch thượng, dùng mọi cách để quấy nhiễu phiên tranh tụng do nữ thẩm phán Pháp chủ tọa. Dẫu có 10 luật sư của bên bị giữ thái độ im lặng, quan sát thì bốn trong số đó lại tỏ ra hung hăng, đặc biệt có hai như muốn "ăn tươi, nuốt sống" đối phương.
Vị luật sư hung hăng nhất bên bị thậm chí cố tình quy kết theo kiểu "phiên tòa này đã kết thúc rồi bởi nó đã diễn ra bên ngoài phòng xử này, bởi nó bị kết án từ trước bởi giới truyền thông".
Rồi đến khi bà thẩm phán kết thúc ngày tranh tụng dài với quyết định cho nguyên đơn Trần Tố Nga phát biểu thì một luật sư bên phía các tập đoàn hóa chất đứng bật dậy phát biểu kiểu phản đối: "Chúng tôi không muốn bà Trần được phát biểu vì bà ấy đã nói đủ trong sáu năm qua rồi!".
Nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi của 14 công ty, tập đoàn hóa chất tại tòa Evry ngày 25-1 - Ảnh: VTD
Trong cuộc chiến pháp lý dài sáu năm đó, thật sự là chính nhờ bà Nga kiên trì đeo đuổi, kiên trì thông tin qua các kênh truyền thông khả dĩ mà tòa án phải lắng nghe, phải đi đến quyết định thụ lý. Không ít trường hợp như bà, kể cả khởi kiện theo tập thể, cũng đã thất bại dù các bằng chứng không hề thiếu.
Vì lẽ đó, luật sư gạo cội William Bourdon lại nói rằng với ông việc được đứng ra bảo vệ (tự nguyện) cho bà Nga "là một niềm vinh dự đặc biệt, khiến ông luôn xúc động" và ông thấy thật tự hào được làm việc này vì mục tiêu khởi kiện của thân chủ ông lớn hơn những vụ kiện tương tự trước đây.
Theo lập luận của luật sư Bourdon, việc quân đội Mỹ rải chất độc khai hoang xuống Việt Nam 50 năm trước chính là "cuộc thảm sát môi trường" (écocide) đầu tiên do con người gây ra trong lịch sử nhân loại.
Thảm sát môi trường (écocide) là khái niệm pháp lý, trách nhiệm và đạo đức đang được đẩy mạnh ở phương Tây và những quốc gia phát triển. Khái niệm này tương đương với "diệt chủng loài người" (génocide) đã được luật hoá sau Thế chiến thứ 2 khi toà án Nuremberg xét xử các lãnh đạo của Đức quốc xã.
Luật sư trẻ Bertrand Repolt trong khi đó cho biết bản thân đã sang Mỹ, gặp gỡ các đồng nghiệp bên đó và đã nắm trong tay "các bằng chứng lịch sử". Chính xác là những tài liệu nội bộ.
Ông dẫn ra bằng chứng là cuộc trao đổi giữa ban lãnh đạo tập đoàn Monsanto với bên quân đội Mỹ để cho thấy bên tập đoàn hóa chất khi ấy hoàn toàn có thể từ chối các đơn đặt hàng hóa chất độc hại từ phía quân đội.
Luật sư Repolt nhấn mạnh rằng Monsanto (được tập đoàn Đức Bayer mua lại gần đây) khi đó hoàn toàn có quyền lựa chọn và biết rõ về tính độc hại của các sản phẩm của mình nhưng họ đã chọn cách cho chạy dây chuyền sản xuất.
Luật sư Bertrand Repolt trả lời báo chí ở tòa Evry ngày 25-1 - Ảnh: VTD
Nữ luật sư Amelie Lefebvre bảo vệ bà Trần Tố Nga thì đề cập đến trách "nhiệm dân sự" của các công ty hóa chất và việc nhà sản xuất đã biết về tính độc hại của dioxin từ những năm 1950-1960.
Bà cho biết các nghiên cứu khoa học lúc đó đã bị ngành công nghiệp hóa chất thông tin mù mờ theo kiểu che giấu. "Họ tìm cách tránh vụ bê bối sức khỏe đó bằng mọi giá, họ câu kết với nhau để che giấu". Theo bà, các công ty hóa chất tìm mọi cách tránh việc cấm sản xuất dioxin vì mặt hàng này lúc đó đem lại lợi nhuận quá cao từ khách hàng "quá đỉnh" là chính phủ Mỹ.
Dựa trên những bằng chứng và lập luận đó, luật sư chính Bourdon đi đến cáo buộc: "Đến giờ thì chẳng ai còn nghi ngờ về chuyện việc mưu cầu lợi nhuận của các công ty đã dẫn đến sự dối trá và chối bỏ. Đó chính là kiểu hai mặt của tất cả các tập đoàn lớn".
Ông nhìn thẳng về nhóm luật sư bên bị để chỉ ra sự dối trá của các thân chủ giàu có của họ: "Các hợp đồng chất độc đó là cuộc gọi thầu chứ không hề có chuyện ép buộc, trưng thu gì cả. Các công ty nhào đến tranh lợi, theo kiểu băng nhóm có tổ chức. Vậy mà giờ đây băng nhóm có tổ chức đó lại muốn chúng tôi tin rằng họ không có trách nhiệm gì".
Lập luận kiểu Mỹ
Cách biện hộ của các luật sư bên bị cũng dựa trên điểm này để nói rằng "luật Mỹ" khác, "luật châu Âu" khác. Luật sư Jean-Daniel Bretzner (đại diện cho công ty Bayer-Monsanto) cho rằng dẫu là đơn đặt hàng không mang tính ép buộc nhưng các công ty vào thời điểm đó không có quyền chối từ bởi đó là thời chiến, là thời điểm nước Mỹ đang tham chiến.
"Lúc đó giống như một dạng nghĩa vụ công phải góp sức vào nỗ lực chiến tranh, một thứ nỗ lực tầm quốc gia", ông ta lập luận. Luật sư Bretzner cho rằng khoa học pháp lý về điểm này rất rõ « khi chủ quyền của một quốc gia (cụ thể ở đây là Mỹ) bị xâm phạm thì không có quyền hồi tố dựa trên quyền miễn tố ».
Luật sư Emmanuel Rosenfeld (đại diện quyền lợi của công ty Hercules) lập luận kiểu: khi đó ai dám chống lệnh của tổng thống Kennedy? Theo ông, luật pháp muốn trừng phạt thì cứ trừng phạt "người sử dụng chất da cam và ở đây chính là chính phủ Mỹ"!
Luật sư Laurent Martinet (biện hộ cho Dow Chemical) cho rằng tòa Evry không đủ thẩm quyền để xử vụ việc liên quan đến "một quốc gia nước ngoài có chủ quyền".
Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn của giới truyền thông tại tòa Evry ngày 25-1 - Ảnh : VTD
Các luật sư bên bị cũng tìm cách gây tranh luận về tỉ lệ nhiễm dioxin trung bình và tỉ lệ nhiễm trong máu của nguyên đơn Trần Tố Nga. Đây là cách "câu giờ" lâu nay của bên các tập đoàn hóa chất: tìm cách kéo dài thời gian với hi vọng các chứng cứ dấu vết dioxin phai mờ đi trong cơ thể người cũng như ở môi trường.
Cuộc chiến pháp lý chính thức được lắng nghe trước tòa đã là một thắng lợi quan trọng bước đầu cho bà Trần Tố Nga. Bà cũng như những người hỗ trợ, ủng hộ bà suốt nhiều năm qua đều hiểu cuộc chiến này chẳng khác một cuộc trường chinh bởi các công ty hóa chất hùng mạnh không dễ gì xuôi tay chịu trói.
Tòa dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 10-5 tới.