OPEC+ không giảm thêm sản lượng dầu, duy trì mức giảm 2 triệu thùng/ngày đến năm 2023 - Ảnh: REUTERS
Theo Đài CNBC, quyết định ngày 4-12 của 23 nước thuộc OPEC+, gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này trong đó có Nga, khá bất ngờ vì các nhà phân tích năng lượng dự đoán OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa để hỗ trợ giá dầu trước đà giảm giá liên tục từ tháng 10 đến nay.
Quyết định mới của OPEC+ hiện chưa thể hiện ngay lên giá dầu. Giá dầu thế giới hiện tại phụ thuộc vào nhiều ẩn số lớn là nhu cầu dầu của Trung Quốc và diễn biến tương lai của dầu Nga sau quyết định áp giá trần của phương Tây.
Giá hai loại dầu tiêu chuẩn toàn cầu là Brent và WTI sáng 5-12 giờ Việt Nam tăng nhẹ 1,78%, lần lượt là 87 USD/thùng và 81 USD/thùng. Đây vẫn là mức giá ổn định trong nửa tháng qua.
Giá dầu có xu hướng giảm liên tục từ tháng 10-2022 do nhu cầu giảm tại Trung Quốc liên quan đến chính sách kiểm soát COVID-19, cũng như triển vọng kinh tế ảm đạm toàn cầu do nguy cơ suy thoái.
Trong cuộc họp hồi tháng 10, OPEC+ đã quyết định cắt giảm 2 triệu thùng mỗi ngày dù nhiều nước phương Tây muốn khối này làm điều ngược lại để giúp hạ giá nhiên liệu và lạm phát.
Quyết định mới được OPEC+ công bố chỉ hai ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada đồng thuận áp mức giá trần với dầu mỏ của Nga là 60 USD/thùng, có hiệu lực từ ngày 5-12.
Mức giá trần này được các chuyên gia đánh giá là không có mấy ảnh hưởng đến kinh tế Nga, trừ khi nó giảm xuống sâu hơn, còn 50 USD/thùng hoặc thậm chí 30 USD/thùng.
Cũng từ 5-12, lệnh cấm dầu nhập khẩu bằng đường biển từ Nga có hiệu lực tại EU. Phương Tây có kế hoạch từ chối bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga tới các quốc gia không tuân theo giá trần, buộc Nga khó bán dầu trên mức giá trần.
Nga khẳng định sẽ không bán dầu cho những nước áp đặt giá trần với dầu của họ.