Nguyễn Thị Doan tại lễ nhận huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn - Ảnh: HÀ QUÂN
Cô gái ấy là Nguyễn Thị Doan (26 tuổi), quê Phú Xuyên (Hà Nội), vừa được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo. Cô cũng là nữ đại sứ duy nhất trong 4 "Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) bổ nhiệm mới đây.
Theo đuổi đam mê, coi khó khăn là động lực để "nuôi" đam mê của mình. Giá trị mình ở đâu thì mức lương sẽ ở đó, giá trị càng cao mức lương càng tương xứng.
NGUYỄN THỊ DOAN
Đi đến cùng đam mê
Nhớ lại chặng đường vừa qua, Doan kể từ bé thích chơi búp bê, rất thích may vá nên học xong phổ thông liền đăng ký học nghề. Nhưng cha mẹ rất gay gắt, nhất quyết không bằng lòng chuyện con gái theo ngành thời trang.
"Bố mẹ muốn mình làm kế toán, kiểm toán trong cơ quan nhà nước cho ổn định, nhưng mình lại không đam mê những nghề đó" - Doan trải lòng.
Thuyết phục mãi không được, cô gái "chốt" luôn: "Nếu bố mẹ không đồng tình thì con lên Hà Nội vừa học vừa làm thêm kiếm tiền tự lo cho mình". Nói là làm, Doan dùng tiền tiết kiệm một mình "khăn gói quả mướp" lên thủ đô học nghề. Những ngày đầu, để kiếm tiền, Doan tìm việc tại một số cửa hàng quần áo để có thể tự trang trải cuộc sống.
Một thân một mình, chẳng quen ai, vừa học vừa làm, cứ thế tự lo cho mình. Những ngày được làm tại cửa hàng thời trang với Doan là một cơ duyên. Thu nhập không đáng kể song chính là khoảng thời gian giúp cô học thêm nhiều kinh nghiệm thực tế.
Thân gái xa nhà, sống một mình, cha mẹ lại không ủng hộ, nhiều lúc cũng nản lòng, nhớ nhà nữa. Nhưng phải đi làm mới có thể trang trải cuộc sống, với đó còn là đam mê đã quyết tâm theo đuổi, nghĩ vậy mà gạt hết những chuyện khác qua một bên.
Thế rồi cha mẹ cũng đành "xuống nước" vì thấy con gái "cứng" quá, kêu Doan không phải đi làm thêm nữa, cha mẹ chấp nhận rồi. Lúc này, việc học cũng thuận hơn, cô giáo thuyết phục Doan đi thi tay nghề.
"Giá trị mình càng cao thì mức lương càng cao"
Kể về kỷ niệm lần đi thi nghề ở Thái Lan, cô gái quê Hà Nội tâm sự tâm trạng lúc đi thi rất thoải mái vì coi như một trải nghiệm trong đời thôi. Khi sang Thái Lan, tự ý thức bản thân đang đại diện cho đất nước đi thi nên có hơi căng thẳng nhưng vẫn tự nhủ phải thi tốt nhất có thể.
Ngày thi chính thức, ban tổ chức không cho phép mang đồ dùng, dụng cụ thí sinh chuẩn bị trước, có những đồ nghề Doan còn chưa một lần được thấy nên cũng hơi hoang mang. Ở nhà máy, mỗi bộ phận làm một khâu nhưng đi thi vỏn vẹn ba ngày để hoàn thành một bài thi. Chưa kể đề thi không thể đoán trước, chỉ được bốc thăm và công bố ngay ngày thi nên cũng tạo thêm áp lực.
Cuối cùng, bao nỗ lực của cô gái cũng được đền đáp. Doan vượt qua thử thách của đề, đoạt huy chương đồng nghề công nghệ thời trang kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN lần đó. Nhận được một vài lời mời với mức lương "trong mơ" từ các công ty nhưng một lần nữa cô gái ấy quyết định thực hiện giấc mơ của riêng mình.
Sẵn tích lũy được số vốn nhất định, Doan mở cửa hàng kinh doanh thời trang do chính mình tự thiết kế, chọn phong cách trẻ trung, năng động, hướng tới người trẻ. Doan cho hay nghề thời trang cũng không quá phức tạp, quan trọng của việc thiết kế trang phục là khâu lên ý tưởng. Khi đã có rồi, công đoạn vẽ mẫu, chọn vải vóc, phụ kiện để hoàn thành sản phẩm.
Với nữ đại sứ nghề ấy, mọi việc mới chỉ bắt đầu và đã sẵn sàng tâm thế để đối diện với thử thách tiếp theo trên con đường lập nghiệp. "Công việc đang cho tôi thu nhập ổn, đảm bảo cuộc sống và tiếp tục hành trình đam mê của mình", Doan nói.
Tại lễ phát động Ngày kỹ năng thanh niên thế giới mới đây, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương đã trao huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho 4 cá nhân là các "Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam" có thành tích xuất sắc.
Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo nhằm vinh danh những bạn trẻ có kỹ năng nghề nghiệp nổi bật, đoạt giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế. "Mong các bạn nhận huy hiệu tiếp tục nỗ lực không ngừng trong công việc, trở thành những tuyên truyền viên, tấm gương lan tỏa kỹ năng, niềm đam mê giáo dục nghề nghiệp tới những bạn trẻ khác" - anh Cương nhấn mạnh.