Nữ vương mẫu nghi thiên hạ

1 năm trước 130
Nữ vương mẫu nghi thiên hạ - Ảnh 1.

Ngày 9-9, tạp chí Time phát hành số báo có trang bìa là Nữ hoàng Elizabeth II - Ảnh: Time

Trong đó, vai trò lớn nhất của bà là giúp gắn kết xã hội Anh và khối Thịnh vượng Anh. Thế hệ chúng tôi có kha khá dịp để biết đến uy danh bà từ sớm, chủ yếu là trên những tạp chí phóng sự ảnh như Paris Match thời xưa chuyên đưa hình ảnh "ông hoàng bà chúa".

"Xin Chúa bảo vệ Nữ hoàng"

Thập niên 50, 60 là như thế. Trong số những ký ức của những chú bé thế hệ chúng tôi về bà có một chi tiết rất gắn với bà như hình với bóng là bài quốc ca Anh: God save the Queen (Xin Chúa bảo vệ Nữ hoàng).

Năm lớp 6, thầy Rodriguez dạy tiếng Anh lâu lâu lại dạy chúng tôi hát những bài đồng dao như "Mary had little lamb, little lamb...". Qua lớp 7, khi dạy cuốn British History về vua Henry VII" có sáu bà vợ, thầy hướng dẫn hát bài I am Henry VIII I am, I am, I am... Ngoài ra, thầy Rodriguez nhất định dạy chúng tôi hát quốc ca Anh, God save the Queen cũng như bài Oh say can you see, by the dawn's early light... (quốc ca Hoa Kỳ), sao cho di sản Anh tồn tại bên cạnh di sản Mỹ đang rất lên vào lúc đó.

Cứ thế, Nữ hoàng Elizabeth II trở nên quen thuộc với chúng tôi hơn bất cứ phụ nữ nào khác như một chút di sản văn hóa Anh còn sót lại.

Đầu thập niên 60, các xã hội còn khá ngăn nắp. Xã hội Anh cũng thế, vẫn "kín cổng cao tường" như hình ảnh đầy biểu tượng của các vệ binh hoàng gia như người gỗ trong bộ đồng phục và cái mũ độc đáo của họ.

Nữ hoàng Elizabeth II vẫn trị vì như là một khuôn phép xã hội của bà, cho dù vào thời gian đó, cuộc "cách mạng" âm nhạc với ca sĩ Cliff Richard & ban nhạc The Shadows cùng với tứ quái The Beatles bắt đầu lan tràn trên thế giới.

Ca sĩ Cliff Richard với thông điệp "The young ones" (Những người trẻ tuổi): "Chúng ta là những người trẻ. Và những người trẻ không nên sợ. Để sống, hãy yêu... do lẽ chúng ta có thể không phải cứ trẻ mãi dài dài đâu? Ngày mai à? Tại sao phải đợi đến ngày mai? Vì ngày mai đôi khi không bao giờ đến".

Bốn chàng trai từ Liverpool lấy tên The Beatles thì đã phá vỡ những cái "niêm luật" quần áo, tóc tai, tạo thành làn sóng Beatlemania (Cuồng Beatles). Tất cả tạo nên điều gọi là "The British Invasion" (Cuộc xâm lược Anh) của văn hóa Anh "mới" là nhạc rock và pop.

Trong làn sóng đó, Nữ hoàng Elizabeth đứng ở đâu khi mà hiện tượng Beatlemania như một cơn bão, thổi luôn vào Điện Buckingham và "chạm" tới Thái tử Charles, năm đó 14 tuổi? Lúc đó, Nữ hoàng Elizabeth, lên ngôi được một thập kỷ (tháng 6-1953), hiểu "làn sóng" đó là gì, có ý nghĩa gì với gia đình, với xã hội Anh, với thế giới. Thế là bà cho triệu vào Điện Buckingham bốn anh chàng tóc tai bù xù đó để trao cho họ tước hiệu thành viên của đế chế Anh (MBE).

Trong vị thế mẫu nghi thiên hạ, ít nhất cũng là của khối Thịnh vượng Anh, bà đã biết cách giữ cho xã hội của bà tương đối cân bằng hơn so với xã hội Pháp, lúc đó vốn bị đảo lộn thông qua sự kiện "tháng 5-1968" khiến Tổng thống De Gaulle, "người hùng" giải phóng nước Pháp, phải cay đắng từ chức.

Trên một mảng tường ở Viroflay (ngoại ô Paris về phía Versailles) những năm 1973 - 1974, vẫn còn thấy dòng chữ nguệch ngoạc bằng sơn: "De Gaulle, 7 năm đủ rồi. 10 năm thì quá lắm!". Hay "Mùa xuân Praha" cùng năm! Hoặc những làn sóng như "đừng quên cài một cái bông trong tóc" ("San Francisco", Scott McKenzie), hoặc xóa sạch mọi thứ như "cách mạng văn hóa"...!

Trong thế cuộc lúc đó, ít nhất Nữ hoàng Elizabeth II cũng đã giữ được phần nào sự kết nối xã hội của bà. Chẳng ngạc nhiên khi nay một trong hai thành viên The Beatles còn sót lại, Paul McCartney, đã tweet: "Chúa phù hộ Nữ hoàng. Mong bà yên nghỉ. Nhà vua muôn năm".

Nữ vương mẫu nghi thiên hạ - Ảnh 2.

Dữ liệu: Trần Phương - nguồn: Reuters - Đồ họa: N.KH.

Nữ hoàng của khối Thịnh vượng chung

Quả thật, bà là nữ hoàng của cả một khối gồm 56 quốc gia thành viên, vốn từng nằm dưới sự cai trị của Anh. Sau khi giành được độc lập, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên quyết định dù họ muốn trở thành nước cộng hòa, nhưng vẫn muốn ở trong khối Thịnh vượng chung.

Tuyên bố London năm 1949 đã công nhận Vua George VI là người đứng đầu khối Thịnh vượng chung, mà ở Đông Nam Á có Brunei, Malaysia, Singapore...

Sau khi ông qua đời, các nhà lãnh đạo khối Thịnh vượng chung đã công nhận Nữ hoàng Elizabeth II trong vị thế đó. Tuy là lãnh đạo cả khối, song vẫn chỉ mang tính biểu tượng, mà vai trò chủ yếu là kết đoàn cả khối. Một trong những cách gìn giữ sự đoàn kết đó là những chuyến thăm của Nữ hoàng hay của Công tước xứ Edinburgh (Hoàng tế Philip, phu quân của Nữ hoàng, qua đời năm ngoái), Hoàng tử Xứ Wales (Thái tử Charles, nay là tân vương) và các thành viên khác của Hoàng gia.

Liệu Nữ hoàng có chịu trách nhiệm về những điều đúng/sai của các nước trong khối, như chiến tranh, tham nhũng, bạo lực...? Câu trả lời là không, do lẽ các nước thành viên của khối Thịnh vượng chung có thể có các hiến pháp khác nhau, chẳng hạn - một nước cộng hòa với tổng thống là nguyên thủ quốc gia (như Ấn Độ và Nam Phi), một chế độ quân chủ bản địa (Lesotho, Malaysia, Swaziland và Tonga), một vương quốc (Brunei), thủ lĩnh khu vực được bầu chọn (Tây Samoa), hoặc một vương quốc dưới trướng Hoàng gia Anh (ví dụ: Vương quốc Anh, Canada, Úc và Barbados).

Theo hiến pháp, cũng có thể hiểu hơn quyền hạn của Nữ hoàng qua những gì bà không được làm: "Điều không thể làm là bỏ phiếu. Bà cũng không được thể hiện bất kỳ ngụ ý chính trị nào trước công chúng. Nữ hoàng không thể ngự trong Hạ viện. Bà phát biểu tại phiên khai mạc của mỗi Nghị viện, nhưng bà không thể tự viết bài phát biểu của riêng mình. Nữ hoàng không thể từ chối ký một dự luật của Nghị viện và bà không thể xuất hiện với tư cách là nhân chứng trước tòa, hoặc thuê tài sản từ thần dân của mình". 

Thành ra, trước kia quân đội Úc, Tân Tây Lan (New Zealand) có sang Việt Nam tham chiến, đó là chuyện của các chính phủ này, hay như gần đây chuyện hai vợ chồng cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak có tham nhũng bạc tỉ USD khi ông này còn tại chức, cũng không thuộc thẩm quyền của Nữ hoàng.

Cũng chính do chức trách của Nữ hoàng Elizabeth II hạn chế như vậy, nên những ký ức về bà hầu hết là từ những việc góp phần giữ cho khối Thịnh vượng chung đoàn kết trong đẹp đẽ.

Chiến dịch cầu London (kế hoạch sau khi Nữ hoàng băng hà)

D-Day+1 (9-9): Lúc 10h sáng một ngày sau khi Nữ hoàng băng hà, một hội đồng bao gồm các nhân vật cấp cao của chính phủ tập hợp tại Cung điện St. James ở London để tuyên bố Vua Charles III là tân vương.

D-Day+2 (10-9): Linh cữu của Nữ hoàng sẽ được di chuyển từ Balmoral (Scotland) trở về Điện Buckingham (London).

D-Day+3 (11-9): Buổi sáng, Vua Charles III sẽ nhận điện chia buồn tại Cung điện Westminster. Buổi chiều, ông sẽ bắt đầu chuyến tham quan Vương quốc Anh.

D-Day+4 (12-9): Hoàng gia tổ chức diễn tập chiến dịch LION - lễ rước linh cữu Nữ hoàng từ Điện Buckingham đến Cung điện Westminster.

D-Day+5 (13-9): Lễ rước chính thức linh cữu Nữ hoàng từ Điện Buckingham đến Cung điện Westminster.

D-Day+10 (18-9): Kế hoạch trong 4 ngày từ 14 đến 17-9 có tên là FEATHER. Linh cữu của Nữ hoàng sẽ ở lại Cung điện Westminster trong 4 ngày này. Trong thời gian này sẽ có cuộc diễn tập tổ chức quốc tang.

D-Day+6 - D-Day+9 (14-9 - 17-9): Quốc tang sẽ diễn ra tại tu viện Westminster. Vào giữa trưa, cả nước sẽ dành hai phút mặc niệm. Lễ rước sẽ diễn ra ở London và Windsor.

Nữ hoàng sẽ an nghỉ tại nhà nguyện St. George ở lâu đài Windsor.

Quốc ca của Anh sẽ đổi từ Quốc ca của Anh sẽ đổi từ 'Chúa phù hộ Nữ hoàng' thành 'Chúa phù hộ Quốc vương'

TTO - Theo báo New York Times, nhiều thay đổi nhỏ đối với cuộc sống hằng ngày của người Anh dự kiến ​​sẽ diễn ra trong những tuần tới để chào đón vị tân vương - Vua Charles III.

Nguồn bài viết