Nữ sinh 29,25 điểm đang là cô công nhân 18 tuổi, lương 4,2 triệu đồng

2 năm trước 160
Nữ sinh 29,25 điểm đang là cô công nhân 18 tuổi, lương 4,2 triệu đồng - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thúy và mẹ bên căn nhà được làm nên từ hỗ trợ của Nhà nước và tình thương của chòm xóm - Ảnh: N.TOÁN

Chúng tôi tìm gặp được Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi) tại một khu công nghiệp ở Hà Nam. Dáng người nhỏ thó, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ sau những ngày liên tục tăng ca làm đêm, cô gái xứ Thanh trải lòng về đời công nhân bất đắc dĩ cho hành trình sinh viên phía trước.

"Tôi sẽ về đi học"

Rời quê Thanh Hóa ra Hà Nam, tìm đến khu nhà trọ công nhân xin tá túc cùng anh chị họ để làm công nhân. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời cô gái 18 tuổi rời xa vòng tay mẹ. "Tôi đã nghĩ đến việc xin bảo lưu điểm, đi làm một năm rồi quay lại theo đuổi việc học sau", đôi mắt đượm buồn, cô gái nhỏ nhắn trải lòng.

Nhưng đời sống công nhân không dễ như Thúy nghĩ. Ngày đầu tiên, Thúy trượt phỏng vấn vì chẳng công ty nào chịu nhận người chưa có kinh nghiệm làm việc. Công ty tiếp theo, người ta hỏi Thúy: "Có thức đêm được không?". Cô bé nhanh chóng gật đầu, thế là được nhận vào làm.

Chuỗi ngày làm việc cật lực đến liền sau đó. Mỗi sáng Thúy đi bộ từ khu nhà trọ đến khu công nghiệp làm việc, 8h sáng bắt đầu và quần quật tăng ca đến 20h đêm. Hôm nào về đến nhà cũng rã rời, dường như quá sức chịu đựng của cô gái nhỏ nên cân nặng cũng sụt giảm nhanh.

Nhưng làm riết thành quen, giờ Thúy đã quen với guồng quay công việc, quen luôn với việc thức đêm. Cô gái nhẩm tính mức lương công nhân 4,2 triệu đồng, tính cả tăng ca cũng được hơn 6 triệu đồng. Cố gắng chăm chỉ chút nữa, chừng giữa tháng sau cô sẽ nhận được tháng lương đầu tiên và có thể đến trường.

"Tôi không muốn ngày nào cũng vùi đầu ở nhà xưởng từ sáng sớm đến tối mịt. Tôi muốn đi học để có thể làm được những công việc mình đam mê. Dù thế nào tôi cũng sẽ về đi học thôi!" - Thúy quả quyết.

Lưng mẹ đã còng

Thúy nhớ đêm đó mình tăng ca, bạn bè vui mừng gửi cho cô kết quả điểm thi rất cao: 29,25 điểm (tổ hợp C19) và 28,75 (khối C00). Với số điểm thi ấy, Thúy đăng ký xét tuyển vào khoa ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Trở thành cô giáo là ước mơ mà Thúy đã ấp ủ từ ngày còn bé.

Nhưng niềm vui lớn bao nhiêu, nỗi lo càng chồng chất bấy nhiêu. Tiền đâu đi học bây giờ? Giây phút ấy Thúy nghĩ đến mẹ. 

Mới 50 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Long (mẹ Thúy) lưng đã bắt đầu còng vì tháng ngày lam lũ làm thuê cuốc mướn suốt bao năm qua. Ai thuê gì bà đều nhận, từ làm cỏ dứa đến cấy lúa thuê. Lúc rảnh bà còn tranh thủ đi mò thêm cua, ốc bán kiếm tiền đóng học cho con.

Từ lúc lọt lòng Thúy đã thiếu vắng tình yêu thương của cha. Nhiều năm mất mùa, hai mẹ con phải chạy gạo đong từng bữa. Căn nhà cũng dột nát, tường nứt toác, mỗi khi tới mùa mưa bão, hai mẹ con lại khăn gói sang nhà bà ngoại tránh trú. 

Giữa năm ngoái, anh em họ hàng, bà con chòm xóm góp công, góp sức cùng với khoản Nhà nước hỗ trợ diện hộ nghèo nên hai mẹ con mới có căn nhà mới, tạm kiên cố hơn để tránh trú mỗi mùa mưa bão về.

Nhận tin con gái có khả năng đỗ đại học, bà Long vừa mừng vừa lo. "Nhà chẳng có con trâu, con bò nào để bán. Mọi ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào tiền tôi và con gái đi làm thuê. Giá mà có vài sào mía, tôi sẽ bán ngay đóng tiền học cho con bé" - người mẹ giãi bày.

12 năm đến trường là hành trình vượt dốc của cô bé. Ngay cả chiếc xe đạp phản chủ lắm hôm còn bắt cô nữ sinh dân tộc Mường ấy phải hì hục dắt dưới mưa vì thủng lốp, hỏng hóc. Khó khăn là thế nhưng Thúy luôn vươn tới, chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đến trường.

"Tôi biết sẽ tốn kém mà hoàn cảnh gia đình không đủ sức chi trả nhưng tôi sẽ đi làm thêm để học. Tôi tin khi cố gắng hết khả năng, cơ hội sẽ mở ra với cuộc đời mình" - Thúy quả quyết.

Điểm cao nhất trường

Cô Bùi Thị Kiều Oanh - phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa - đánh giá cô học trò của mình ngoan lắm, lúc nào cũng nỗ lực học và luôn nằm trong tốp đầu của trường, nên không bất ngờ khi có điểm cao nhất ở tổ hợp xét tuyển C00 và C19.

Còn ông Bùi Minh Thắng - trưởng thôn Thạch Lỗi, xã Thành Tân - cho biết nhà Thúy thuộc diện hộ nghèo, gia cảnh đặc biệt khó khăn, bà Long hay đau ốm nhưng vẫn cố gắng làm thuê để trang trải cuộc sống cho hai mẹ con.

"Biết tin cháu Thúy đạt điểm cao, chúng tôi đã tới thăm, động viên và hy vọng có nhà hảo tâm giúp để cháu tiếp tục thực hiện ước mơ của mình" - ông Thắng nói.

Nữ sinh 29,25 điểm đang là cô công nhân 18 tuổi, lương 4,2 triệu đồng - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hãy đăng ký nhận học bổng cùng Tuổi Trẻ

Năm 2022, học bổng Tiếp sức đến trường sẽ được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 63 tỉnh, thành đoàn cả nước để tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi học bổng trị giá 15 triệu đồng, với tổng kinh phí dự kiến hơn 15 tỉ đồng.

Ngoài ra sẽ có 5 suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập, 1.500 balô tặng sinh viên (trị giá 230 triệu đồng)...

Năm nay là mùa thứ 20 học bổng Tiếp sức đến trường dành cho tân sinh viên khó khăn từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng chia sẻ. Học bổng này đã "tiếp sức" cho 22.370 tân sinh viên không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Q.L.

Nữ sinh 29,25 điểm đang là cô công nhân 18 tuổi, lương 4,2 triệu đồng - Ảnh 5.
Tôi luôn biết ơn học bổng Tôi luôn biết ơn học bổng 'Tiếp sức đến trường' ngày ấy

TTO - 'Ngày vào trường, tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm sao học xong kiếm được công việc ổn định. Bây giờ tôi mong muốn trở thành người thành đạt, kiếm được đủ tiền để ông bà đỡ khổ cực, vất vả, để tương lai của tôi không còn mờ mịt'.

Nguồn bài viết