Nữ cán bộ y tế người Mông thành công với du lịch cộng đồng

1 năm trước 108

Video chị Sùng Y Múa chia sẻ về phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình:

Người tiên phong  

Chị Sùng Y Múa là một trong những người phụ nữ tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho các chị em phụ nữ trong khu vực, đồng thời nỗ lực cải thiện an toàn sức khỏe của chị em phụ nữ tại xã Hang Kia thông qua việc giáo dục, tuyên truyền sức khỏe sinh sản.  

Tuy nhiên, để có được “trái ngọt" như hôm nay là cả một chặng đường không ngừng nỗ lực học hỏi và vươn lên của một cô gái người Mông kiên cường này.  Chị Sùng Y Múa sinh ra ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Nhiều trẻ em gái ở nơi đây đều gặp những rào cản về học tập và không được đến trường. Đến tuổi thành niên, đa số đều lấy chồng và sinh rất nhiều con. Cái nghèo cứ thế theo họ họ từ đời này sang đời khác.  

Nhưng bố mẹ của chị Sùng Y Múa  nghĩ khác. “Dù nhà đông con nhưng bố tôi luôn động viên con đi học. Ngay khi có chương trình phổ cập xóa mù chữ cho người dân tộc Mông ở Hang Kia - Pà Cò, tôi là một trong 13 cô gái ở bản xung phong xuống huyện học cái chữ", chị Sùng Y Múa kể.  

Có ước mơ trở thành ca sĩ nhưng Sùng Y Múa lại chọn ngành y bởi mong muốn được trở về phục vụ bà con dân bản trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái, phụ nữ người Mông. Hơn 10 năm xa nhà xuống huyện học chữ, Sùng Y Múa đã học xong đại học. Sau đó, Sùng Y Múa trở về với bản làng, trở thành cán bộ y tế của xã Hang Kia.

Trong hơn 10 năm qua, cùng với chính quyền địa phương, chị Sùng Y Múa đã tuyên truyền vận động phụ nữ người dân tộc Mông chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách phòng chống bệnh tật và xóa dần những hủ tục mê tín dị đoan.  

Chị Sùng Y Múa cho biết: “Làm cán bộ y tế, tôi nhận thấy bà con người dân tộc Mông ít tiếp cận cái mới, không được học tập. Ý định làm du lịch cộng đồng cũng xuất phát từ đó. Tôi muốn tạo việc làm cũng như mong muốn được giao thoa các nền văn hoá khác nhau để học hỏi”.  

Mở homestay vừa để thoát nghèo, vừa giữ gìn bản sắc 

Nhớ lại 12 năm trước, chị Sùng Y Múa chia sẻ: “Lúc đó, huyện Mai Châu có quy hoạch về phát triển du lịch cộng đồng. Tôi nhận thấy thế mạnh của Hang Kia, Pà Cò là bà con giữ được giá trị văn hoá của dân tộc. Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mông nơi đây chân chất, thật thà và đặc biệt hiếu khách. Những giá trị văn hoá đó cùng với thiên nhiên nhiên là những cung mây mà khách có thể săn bốn mùa là ưu thế để tôi muốn phát triển du lịch”.  

Chú thích ảnhKhách du lịch đến với homestay của Y Múa ngày càng đông. Ảnh: NVCC

Nghĩ là làm, chị Sùng Y Múa vay tiền, mua gỗ để dựng nhà sàn đón khách. “Tôi vừa dựng nhà xong thì có khách đến. Những món ăn của người dân tộc Mông được khách du lịch khen ngon. Đoàn này về lại bảo cho đoàn khách khác tới là động lực để tôi tiếp tục tìm tòi và phục vụ tốt hơn".  

Trong 12 năm phát triển du lịch cộng đồng, chị Sùng Y Múa gặp không ít khó khăn bởi như chị nói: “Tôi không có chuyên môn làm du lịch. Tạo việc làm cho phụ nữ nhưng họ còn chưa biết chữ, không biết tiếng phổ thông. Nhưng tôi đã động viên, tuyên truyền cũng như dạy cho họ tiếng phổ thông, chữ viết, đến nay, nhà tôi có 7 chị em phụ nữ làm việc khá thành thạo”.

Đến nay, từ mô hình nhà cộng đồng của chị Sùng Y Múa, hai xã Hang Kia, Pà Cò có thêm 6 gia đình cũng làm mô hình này, tạo việc làm cho người dân trong vùng là chị em phụ nữ khó khăn, các em gái không có điều kiện đi học.  

Chị Sùng Y Múa cho biết: “Tôi phát triển du lịch cộng đồng và cho người nước ngoài lưu trú. Bên cạnh đó, chúng tôi làm các tour trải nghiệm như: Vẽ sáp ong, nhuộm chàm, đổ giấy thủ công của người dân tộc Mông , hái trà, sao trà và trekking. Nơi này đã thu hút được cả “khách tây lẫn khách ta". Không quảng cáo, homestay của Hang Kia, Pà Cò chủ yếu được các công ty lữ hành trực tiếp liên hệ và làm tour du lịch".  

Chị Sùng Y Múa nói cho biết: “Hang Kia là điểm săn mây lý tưởng. Tôi dẫn khách đi thăm thú và hòa nhập với văn hoá bản địa khiến họ rất vui. Không những vậy, mỗi đoàn khách đến đều mua sản vật của địa phương, tăng thu nhập cho bà con nơi đây".

Nhìn lại chặng đường 12 năm, điều chị Sùng Y Múa tâm đắc nhất là người dân vừa bảo tồn được văn hoá dân tộc, cuộc sống đã văn minh hơn, môi trường xanh - sạch - đẹp.  

Chị Sùng Y Múa từng nhận được những giải thưởng của huyện Mai Châu hay tỉnh Hoà Bình về giữ gìn văn hoá dân tộc, phát triển du lịch địa phương, những nỗ lực trong tuyên truyền y tế cho người dân tộc.

Đến nay là giải thưởng Kova 2022 tôn vinh chị trong hạng mục Sống đẹp. Chị Sùng Y Múa là một tấm gương không ngừng vươn lên học tập và khát khao mang lại cái đẹp, văn minh cho bản làng, quê hương mình.

Nguồn bài viết