Nhà trường cần tạo cơ hội để giới trẻ có dịp giao lưu, học hỏi kỹ năng sống một cách sinh động. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH UEF giao lưu cùng HIEUTHUHAI - một rapper nổi tiếng từng tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và giỏi tiếng Anh - Ảnh: V.SAN
Xoay quanh tuyến bài 'Nổi tiếng không nhờ ngoại hình', xin giới thiệu tiếp hai góc nhìn từ một phụ huynh làm trong lĩnh vực giáo dục và một KOL chọn hướng tận dụng ngoại hình để nổi tiếng trên mạng xã hội...
Cách giáo dục cần linh động, mềm mỏng hơn
Nếu hỏi tôi có lo lắng hay không khi con mình dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội thì câu trả lời chắc chắn là có. Vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự học lẫn sức khỏe của các con (điển hình là trẻ nhỏ ngày nay bị cận rất sớm và ngại giao tiếp với những người xung quanh, điều khá khác biệt với các thế hệ trước). Tuy nhiên, chúng tôi không thể ngăn cấm con lên mạng xã hội vì đó là xu hướng.
Nói một cách công bằng, mạng xã hội có sức hấp dẫn với tất cả các lứa tuổi chứ không chỉ với gen Z. Chẳng hạn với tôi thì mạng xã hội giúp tôi kết nối, trò chuyện dễ dàng với mọi người mà không cần lo lắng đến vấn đề an toàn di chuyển, chi phí đi lại.
Nhưng cái gì cũng vậy, khi lạm dụng quá mức sẽ khiến nhiều vấn đề phát sinh. Gen Z về mặt lý thuyết là những cá nhân vẫn còn non nớt vốn sống, trong khi VN vừa là quốc gia có dân số trẻ và lượng người sử dụng Internet cao tốp đầu thế giới. Nên nếu người lớn để họ cô độc trong hành trình "sống" trên mạng xã hội nói chung, gầy dựng hình ảnh trên mạng xã hội nói riêng... sẽ dẫn đến việc nhiều bạn trẻ suy nghĩ đơn giản về sự nổi tiếng hoặc lầm tưởng chỉ cần đẹp và biết "khoe" cơ thể là sẽ thành công mà quên đi việc trau dồi những giá trị bên trong như kiến thức và các kỹ năng mềm, tư duy theo đó lệch lạc dần.
Dưới góc nhìn của người làm lĩnh vực giáo dục, tôi cho rằng công nghệ ngày càng phát triển và nếu chúng ta đồng hành, hướng dẫn giới trẻ biết khai thác, sử dụng, chắt lọc thông tin hợp lý thì sẽ giúp họ phát triển bền vững, hiệu quả trong học tập, công việc lẫn cuộc sống.
Chẳng hạn tại nơi tôi làm việc, chúng tôi không chỉ dạy tiếng Anh mà còn tích hợp với phương pháp STEAM của Hoa Kỳ để các em không chỉ cải thiện ngoại ngữ mà còn có cơ hội tiếp cận công nghệ một cách chuyên nghiệp, học các kỹ năng sống một cách nhẹ nhàng.
Còn dưới góc nhìn của một phụ huynh, tôi vẫn tin rằng không có gì quan trọng bằng việc dành thời gian đồng hành, trò chuyện cùng con và giúp con hiểu được giá trị tích cực lẫn tiêu cực trong từng hành động của mình ở mạng xã hội. Chẳng hạn, nhiều người đã rất hối hận vì một hành động, hình ảnh một phút nông nổi nào đó của họ sau này vĩnh viễn không thể xóa khỏi mạng xã hội. Liệu con có biết và sẵn sàng cho điều đó không?
Chúng tôi cũng cố gắng quan sát con thích và thường xem những kênh nào và liệu nó có phù hợp với lứa tuổi của con không, cho phép con dùng Internet trung bình khoảng một đến hai giờ mỗi ngày như "phần thưởng" khích lệ mỗi khi con hoàn thành việc học hành hay đạt kết quả cao.
Lê Thị Vân (giám đốc đào tạo hệ thống AEG)
Vừa được khen, vừa bị cười chê, gạ gẫm
Tôi có dõi theo tuyến bài "Nổi tiếng không nhờ ngoại hình" đăng trên báo Tuổi Trẻ những ngày gần đây và xin đưa vài góc nhìn phản biện.
Vì sao giới trẻ nói chung, các cá nhân đang cố gắng nổi tiếng trên mạng xã hội nói riêng (như tôi) lại chọn khoe thân và cố gắng trở nên nóng bỏng trong từng clip hay khung hình?
Trước tiên, tôi nghĩ giữ ngoại hình đẹp cũng là một loại tài năng. Vì để có ngoại hình bắt mắt thì chúng tôi cũng phải nỗ lực tìm hiểu về gu ăn mặc, trang điểm đang "bắt trend" là gì. Và để có ngoại hình đẹp thì chúng tôi phải luyện tập thể dục, ăn uống kiêng khem rất nhiều. Chính vì vậy, việc chúng tôi tôn vinh nét đẹp cơ thể không đáng bị lên án, ngoại trừ những cá nhân khoe da thịt quá nhiều, vượt giới hạn cho phép, quá "xôi thịt".
Hay như hài ngoài Bắc và hài trong Nam cũng khác nhau vì thị hiếu vùng miền đa dạng, vậy tại sao chúng tôi lại phải đi theo con đường nghiêm túc, nội dung sâu sắc và phải sử dụng những kỹ năng không phải là thế mạnh của mình? Tôi thừa nhận bản thân không quá thông minh, cũng chẳng hoạt ngôn, không có êkip hỗ trợ về mặt lên nội dung từng clip... nên tôi chỉ có thể tận dụng ngoại hình của mình.
Tôi mong mọi người đừng quá khắt khe vì người thích phở, kẻ thích hủ tiếu, người thích bún bò... nên chẳng thể nói món nào tốt hơn món nào. Nhưng tôi cũng thừa nhận với các clip nóng bỏng, tận dụng ngoại hình gợi cảm... thì cũng có nhiều hệ lụy phát sinh.
Đầu tiên là cảm giác buồn và thậm chí sốc tột độ vì hộp thư sau đó nhận về nhiều tin nhắn gạ gẫm, cợt nhả và một số người cũng gắn mác chúng tôi "câu view" rẻ tiền. Bên cạnh đó, một số khung hình của chúng tôi bị cắt cúp và lồng ghép vào các nội dung, trang web nhạy cảm.
Những lần đầu bị rơi vào tình huống này, tôi thật sự hoảng sợ vì không ngờ mọi thứ đi xa như vậy. Gia đình của tôi rất giận dữ khi biết những điều trên, nhưng họ cũng đồng thời không thật sự hiểu những điều tôi giải thích về mạng xã hội và họ cũng chẳng dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe tôi. Tôi cũng chưa từng được người nhà khen ngợi về ngoại hình như những lời khen trên mạng xã hội.
Tôi mất gần hai tháng để suy nghĩ về con đường mình đang đi, nhưng phải nói thật lòng, một khi đã có chút tiếng tăm trên mạng xã hội thì rất khó để tôi rũ bỏ chúng, trở về đời thường... Vì ngoài lợi ích về kinh tế thì cái cảm giác được nhiều người biết đến, bày tỏ sự ngưỡng mộ có "ma lực" rất lớn với chúng tôi, với những người trẻ thuộc gen Z - thế hệ thích khẳng định mình.
N.V.N. (một bạn trẻ có trên 90.000 người theo dõi ở TikTok, Facebook...)