Nổi tiếng không nhờ ngoại hình - Kỳ cuối: Khi sự bắt chước, so sánh là một bản năng

1 năm trước 149
 Khi sự bắt chước, so sánh là một bản năng - Ảnh 1.

TS Nguyễn Vinh Quang chụp ảnh xìtin cùng một nhóm học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) - Ảnh: Q.NGUYỄN

Diễn đàn khép lại với góc nhìn từ các nhà giáo dục học và chuyên gia tâm lý.

TS quản lý giáo dục NGUYỄN VINH QUANG (sáng lập viên tổ chức hướng nghiệp Mr.Q, từng nhận bằng khen của Cơ quan Xúc tiến giáo dục Úc năm 2021):

"Cha mẹ không "nâng cấp" kiến thức, con cái sẽ dần rời xa"

Theo tổ chức nghiên cứu marketing Decision Lab, khoảng 71% Gen Z (các cá nhân sinh từ 1995-2010) dành hơn một giờ trên mạng xã hội (MXH) mỗi ngày.

Ngoài ra, tác động của COVID-19 và giãn cách xã hội càng làm thói quen sử dụng MXH của Gen Z ngày càng thường xuyên hơn.

Bản thân cũng là một phụ huynh, tôi không thể cấm con mình tiếp cận MXH vì đó là xu hướng, con không biết "nhịp thở" trên MXH sẽ dễ bị lạc hậu so với các bạn đồng trang lứa.

Cá nhân tôi cho rằng việc giới trẻ bị cuốn vào các clip, hình ảnh các bạn trẻ đẹp, hay khoe thân trên MXH là điều rất dễ hiểu. Do trải nghiệm sống còn ít và khi thấy hành động của các nhân vật "bề nổi" trên MXH được mọi người chào đón, tung hô sẽ làm cho các bạn suy nghĩ ngay đó là việc nên làm, đáng ước mơ.

Yếu tố thứ hai là một số MXH có tính năng kiếm tiền, thậm chí là thu nhập đáng kể trong khi không phải nhu cầu vật chất nào của Gen Z - thế hệ thích khẳng định mình - đều được phụ huynh chấp thuận.

Và có một điều không khó nhận ra là trẻ ngày nay càng lớn càng ít tương tác với cha mẹ vì không tìm được tiếng nói chung.

Chẳng hạn cách đây vài ngày, tôi có trò chuyện cùng một học sinh lớp 9 khi đi giao lưu với các trường, em tiết lộ mê game. 

Theo lẽ thường thì chắc người lớn nào cũng nhăn mặt khi nghe đến điều này, nhưng em bộc bạch là nhờ chơi game mà em vừa thấy thư giãn sau lịch học kín mít, vừa kết bạn với những bạn bè quốc tế từ Indonesia, Hàn Quốc... theo đó khả năng dùng tiếng Anh được cải thiện. 

Em muốn trở thành người lập trình game vì em chơi giỏi và phát hiện được lỗ hổng của game, đó chính là một ước mơ đẹp, một năng lực chính đáng mà không chắc nhiều người lớn đồng cảm lúc đầu. Tôi ước gì người được nghe đam mê cháy bỏng đó là cha của em chứ không phải tôi.

Thạc sĩ - bác sĩ CKI NGUYỄN TRUNG NGHĨA (đơn vị tâm lý tâm thần, khoa nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn):

"Giúp trẻ hiểu giá trị thật của bản thân"

Cá nhân tôi cho rằng không nên lên án gay gắt việc giới trẻ tìm đến những hình ảnh, clip nóng bỏng trên MXH vì chính người lớn chúng ta vẫn có lúc thích thưởng thức vẻ đẹp hình thể. Đó là sở thích cá nhân đáng được tôn trọng.

Điều nên chăng đáng lo lắng là khi trẻ dành quá nhiều thời gian lướt MXH để rồi từ đó bức bối, chẳng hạnh phúc với cuộc sống hiện tại do nỗi tự ti khi so với những cá nhân lung linh, đẹp đẽ trên mạng (mà không biết là đó có thể do chiêu trò, do sử dụng ứng dụng chỉnh...). 

Sẽ càng đáng nói khi trẻ lầm tưởng chỉ cần có ngoại hình, hành động giật gân thì sẽ dễ nổi tiếng, và sẽ đáng sợ nếu trẻ nghĩ số lượt yêu thích, theo dõi trên MXH đồng nghĩa với giá trị của bản thân.

Trên góc độ khoa học thần kinh, con người chúng ta có những hệ thống cụ thể giống như nhóm nơron vuông sẽ phụ trách tìm những gì giống nhau như hành vi, ngoại hình và cảm xúc đối với các cá thể khác trong cộng đồng để giúp ta sinh tồn tốt hơn, hòa nhập với cộng đồng. 

Như vậy có thể nói việc bắt chước và so sánh bản thân mình là một bản năng, khó tránh được ở người trẻ. Điều này càng trở nên phổ biến kèm áp lực do công nghệ khiến thông tin, hình ảnh mọi người xung quanh dễ được tiếp cận hơn bao giờ hết. Cuộc sống của nhiều người nói chung, giới trẻ nói riêng thêm căng thẳng, mệt mỏi là vì vậy.

Nói về giải pháp từ góc nhìn tâm lý thì vấn đề trên xuất phát từ việc giới trẻ hiểu bản thân tới mức nào. Chúng ta cần giúp họ luôn tự đặt câu hỏi đối với bất cứ hành vi, suy nghĩ và cảm xúc đang có. Chẳng hạn chúng ta khơi gợi họ luôn tự hỏi bản thân đang làm gì và làm vì cái gì, mục đích sau cùng? 

Cần giúp họ nhận ra rằng nếu bản thân chỉ đang mặc đẹp để làm vui lòng người khác nhưng sâu thẳm bên trong mệt mỏi, không hạnh phúc thì lúc đó nên dừng lại. Vì những người luôn tung hô ngoại hình của mình trên MXH kia có chắc là yêu thương mình thật, sẽ luôn bên cạnh mình khi cần như người thân?

Khi họ biết tự hỏi giá trị thực sự của mình đang nằm ở đâu, ý nghĩa cuộc sống và những mối quan hệ hiện có, cái đẹp bền vững và sự bình an bên trong... thì nhu cầu đuổi theo ánh hào quang sẽ giảm dần.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang cho rằng vấn đề sẽ phần nào được giải quyết khi phụ huynh vừa lưu ý yếu tố nhu cầu tài chính (dĩ nhiên là phải chính đáng) từ con, vừa đóng vai trò người bạn, dành thời gian trò chuyện và thật sự lắng nghe con.

Điều quan trọng cuối cùng là phụ huynh, nhà trường cần cố gắng "nâng cấp" kiến thức công nghệ, sẵn sàng trở thành "học trò" của con lúc cần vì khi con thấy sự mở lòng, cầu thị từ người lớn thì con sẽ thoải mái khi sẻ chia niềm vui lẫn các vấn đề, trăn trở của mình.

"Thời gian, giá trị tinh thần trẻ nhận được từ thế giới thực càng nhiều, trẻ sẽ dần hạn chế thời gian cho MXH hay thế giới ảo" - ông Quang nói.

 Nhiều cách để khẳng định bản thânNổi tiếng không nhờ ngoại hình: Nhiều cách để khẳng định bản thân

TTO - Sự nổi tiếng của một người phải mang tới giá trị tinh thần, sự chuyển hóa giúp cho cộng đồng bình an, hạnh phúc hơn...

Nguồn bài viết