Trong tháng 5-2022, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển vượt ngưỡng 420ppm - Ảnh: REUTERS
Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đưa ra ngày 3-6, tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra - đặc biệt là thông qua các hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giao thông, sản xuất ximăng, hoặc phá rừng - là động cơ chính khiến cho nồng độ CO2 trong không khí tăng lên mức cao kỷ lục.
Tháng 5 thường là tháng ghi được những nồng độ CO2 trong khí quyển cao nhất trong năm. Trong tháng 5-2022, nồng độ chất ô nhiễm trong bầu khí quyển đã vượt ngưỡng 420ppm. Năm 2021, chỉ số này là 419ppm, năm 2020 là 417ppm.
Các thông số trên được ghi nhận tại trạm quan sát Mauna Loa ở Hawaii, nằm trên một núi lửa, một vị trí lý tưởng giúp các kết quả đo được không bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm tại địa phương.
Theo NOAA, thời kỳ cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong khí quyển duy trì ổn định ở mức 280ppm trong khoảng gần 6.000 năm tính đến giai đoạn công nghiệp hóa. Nồng độ CO2 ngày nay tương ứng với những mức ghi nhận được trong khoảng từ 4,1-4,5 triệu năm trước khi nồng độ CO2 ở mức gần hoặc trên 400ppm.
Vào thời điểm đó, mực nước biển cũng cao hơn từ 5-25cm so với ngày nay, đủ cao để nhấn chìm nhiều thành phố lớn và khi đó, Bắc Cực bị bao phủ bởi nhiều cánh rừng lớn.
CO2 là một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí này tồn đọng trong bầu khí quyển tạo thành bẫy nhiệt và gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Khí CO2 có thể tồn tại trong bầu khí quyển và các đại dương trong hàng nghìn năm.
Tình trạng ấm lên toàn cầu đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như những đợt sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt chưa từng thấy. Nhà khoa học Pieter Tans từ Trạm quan sát toàn cầu cho rằng nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở những mức cao chưa từng thấy nhưng lại không phải là điều mới mẻ. Bởi vì, qua nghiên cứu, con người đã hiểu được từ hàng trăm năm nay rằng điều này sẽ xảy ra nhưng lại chưa có hành động ý nghĩa để ngăn chặn.