Năm 2022, người dân Quảng Trị kỳ vọng bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội

2 năm trước 249
Chú thích ảnhPhối cảnh Cảng Hàng không Quảng Trị. Ảnh: baoquangtri.vn

Kỳ vọng năm mới khởi sắc

Tiết trời những ngày Tết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như "chiều lòng người", tạnh ráo và se lạnh rất thích hợp để người dân du Xuân vui Tết. Dù du Xuân nhưng người dân vẫn không quên tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Người dân Quảng Trị đón Xuân Nhâm Dần 2022 với tâm thế vui tươi và niềm tin, kỳ vọng lớn, quê hương sẽ đạt được nhiều thành tựu trong năm mới. Sự kỳ vọng này dựa trên cơ sở năm 2021, tỉnh đã thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa kiểm soát được dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế và làm tốt công tác an sinh xã hội. Năm 2021, tỉnh thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay với trên 5.510 tỷ đồng, chấp thuận chủ trương đầu tư đạt kỷ lục với 67 dự án có tổng vốn trên 71.800 tỷ đồng, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,5% so với năm 2020.

Năm 2022 là năm có nhiều sự kiện đặc biệt đối với tỉnh Quảng Trị gồm: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (1/5/1972-1/5/2022), kỷ niệm 50 năm quân và dân ta chiến đấu suốt 81 ngày đêm (28/6/1972-16/9/1972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2022), người con ưu tú của quê hương Quảng Trị; tổ chức Festival Vì hòa bình lần thứ nhất với không gian chính ở Thành cổ Quảng Trị, các nghĩa trang liệt sỹ và di tích lịch sử cách mạng, nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng, đồng thời thể hiện khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình. Những sự kiện này là dịp để khơi dậy, phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh nội sinh của mảnh đất và con người Quảng Trị.

Những ngày Tết, linh vật Hổ Xuân Nhâm Dần 2022 đặt tại Công viên Lê Duẩn, thành phố Đông Hà được nhiều người dân Quảng Trị đến tham quan, chụp ảnh. Nhiều người thích thú linh vật này bởi hình tượng hổ mang vẻ uy nghi, hùng dũng. Linh vật hổ được đặt theo hướng nhìn ra xa về phía Đông mang thông điệp năm mới luôn được hanh thông.

Cũng như nhiều người khác, khi đến xem linh vật hổ, ông Nguyễn Hữu Cần, 72 tuổi, cán bộ hưu trí ở huyện Triệu Phong chia sẻ: Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn nhưng người dân đón Xuân với tinh thần lạc quan và đặt nhiều kỳ vọng vào năm mới Nhâm Dần 2022. Người dân rất kỳ vọng trong năm mới 2022 kinh tế Quảng Trị sẽ khởi sắc hơn, thành công hơn nữa trong thu hút đầu tư, xây dựng được thêm nhiều nhà máy, công trình mới… để sớm hiện thực hóa được khát vọng đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025.

Chị Lê Thị Phương, 28 tuổi trở về từ tỉnh Đồng Nai hồi tháng 10/2021 để tránh dịch COVID-19. Du Xuân trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, chị Phương hy vọng năm nay tỉnh tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa kiểm soát được dịch vừa phát triển kinh tế, để tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và nhiều lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam; đồng thời có thêm nguồn lực để hỗ trợ lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sớm vượt qua khó khăn và vươn lên.

 Với ông Lê Bá Hàn, 54 tuổi, làm nông nghiệp ở huyện Gio Linh, thời tiết những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 “mưa thuận gió hòa” có thể báo hiệu một năm thuận lợi cho nông dân sản xuất. Ông Hàn chia sẻ, nông dân mong muốn năm mới Nhâm Dần 2022 dịch COVID-19 được đẩy lùi để những sản phẩm từ nông, lâm, thủy sản tiêu thụ được thuận lợi với giá bán ổn định. Nông dân cũng kỳ vọng, tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm, thủy sản để tiến tới sản xuất bền vững, nâng cao giá trị để mỗi mùa vụ đều được mùa được giá.

 Người dân kỳ vọng có sự bứt phá trong năm mới Nhâm Dần 2022, để khi nhắc đến Quảng Trị mọi người không chỉ nghĩ đến vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, mà còn nỗ lực và sáng tạo để đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Thích ứng, thúc đẩy tăng trưởng

Tỉnh Quảng Trị chọn chủ đề của năm 2022 là: “Trách nhiệm kỷ cương - Thích ứng an toàn - Thúc đẩy tăng trưởng”. Năm nay cũng được tỉnh xác định là năm quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển Quảng Trị trở thành nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được tỉnh xác định trong năm 2022 là vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa khôi phục phát triển kinh tế. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, về cơ bản tỉnh đã hoàn toàn thích ứng với trạng thái “bình thường mới” khi vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau khi rà soát quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các bộ ngành; căn cứ vào thực tiễn diễn biến dịch của địa phương bao gồm yếu tố dịch tễ, năng lực phòng, chống dịch nhất là hệ thống y tế, nhận thức và tâm lý của người dân về dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Năm nay tỉnh cũng quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, đảm bảo hiệu quả, thực chất, tăng cường cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đẩy nhanh việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm để đóng góp mới vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của hoạt động dịch vụ du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đẩy nhanh khôi phục mở cửa hoạt động du lịch. Tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch và coi nông nghiệp là “bà đỡ” cho các lĩnh vực kinh tế khác. Thực hiện hiệu quả, kịp thời chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, đồng thời chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ngay đầu năm mới 2022, tỉnh đã có nhiều dự án động lực đã và sẽ được triển khai; trong đó có nhiều dự án đầu tư vào năng lượng, lĩnh vực mà địa phương này có thế mạnh. Ngày 15/1 vừa qua tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc, Tổng Công ty khí Hàn Quốc tổ chức Lễ khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1. Dự án có quy mô 120 ha, công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.

Năm 2022, tỉnh triển khai xây dựng thêm 12 dự án điện gió, trong tổng số 31 dự án điện gió đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Dự kiến tháng 10/2022, tỉnh và Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với công suất 1.320 MW, tổng vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng. Năm nay tỉnh cũng đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục để đầu tư xây dựng Nhà máy điện khí công suất 340 MW tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị do Tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư với số vốn khoảng 300 triệu USD.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, thu hút đầu tư vào năng lượng là ưu tiên hàng đầu với lĩnh vực hạn chế tác động đến môi trường gồm: Điện gió, điện khí, điện mặt trời. Tỉnh có điều kiện thuận lợi và quyết tâm rất cao xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm với 2030 với tổng công suất khoảng 10.000 MW.

Trong Quý 2 năm 2022, tỉnh dự kiến khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị tại huyện Gio Linh. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ngày 20/12/2021 với quy mô là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, tỉnh dự kiến triển khai xây dựng tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình. Dự án có tổng chiều dài khoảng gần 56 km với tổng mức đầu tư dự án khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến đường theo hướng Đông -Tây.

Nguồn bài viết