Startup Korona Board Game nhận sự hỗ trợ từ Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: M.VÕ
Tại buổi tổng kết, bà Chu Vân Hải, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết năm 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động khoa học công nghệ tại TP.HCM.
Dù trong bối cảnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP.HCM vẫn có những bước tiến đáng kể.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có khoảng 2.000 startup trên địa bàn. Trong đó, các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm đến 65%, kế tiếp là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm (21%).
Bên cạnh đó, theo thống kê đến năm 2021, TP.HCM có 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng như 19 không gian đầu tư.
Trong năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM cũng có những hoạt động mạnh mẽ. Ước tính, lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là 1,1 tỉ USD.
Con số này chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm trên cả nước, chứng tỏ TP.HCM vẫn là cái nôi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Bà Chu Vân Hải phát biểu tại buổi tổng kết chiều 14-1 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tính riêng ở TP.HCM trong năm qua, tổng chi tiêu xã hội cho khoa học công nghệ ước đạt 16.150 tỉ đồng, xấp xỉ 1,18% trong GRDP của TP. Trong đó, số tiền ở khu vực doanh nghiệp bỏ ra chiếm 79%.
Giữa bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong đó, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trong năm là 33,6%, cao nhất là hoạt động đổi mới về phương pháp quản lý, tổ chức và đổi mới về quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ.
Trong bảng xếp hạng 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu trong năm 2021, TP.HCM ghi nhận bước tiến đáng kể, tăng 46 bậc so với năm trước, hiện giữ vị trí thứ 179. Đây là bảng xếp hạng được StartupBlink, Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu, công bố cho khoảng 1.000 thành phố và 100 quốc gia trên thế giới.
Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.
Trong đó, sẽ xây dựng các bài toán lớn cụ thể để tập trung nguồn lực khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành y tế, giáo dục và quản trị trong khu vực công của TP.
Một trong những hoạt động quan trọng về khoa học công nghệ TP.HCM trong năm 2022 là hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo để làm hạt nhân kết nối các trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh, xây dựng mạng lưới trung tâm nghiên cứu phát triển của TP.
Viện cũng nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp.