Bộ Công thương dự kiến tiếp tục đề xuất miễn, giảm tiền điện cho một số đối tượng - Ảnh: EVN
Thông tin được nêu trong chỉ thị số 07/CT/BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành.
Cụ thể, bộ trưởng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy với yêu cầu này, đối tượng để miễn, giảm tiền điện được thu hẹp lại khi người dùng là hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở hành chính sự nghiệp không được xem xét để hưởng chính sách này.
Trong khi năm ngoái, với tác động của dịch COVID-19, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có 2 đợt hỗ trợ giảm giá tiền điện cho hầu hết các khách hàng, với tổng số tiền lên tới 12.300 tỉ đồng.
Trong đó, hộ tiêu dùng sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, cơ sở lưu trú du lịch và khách hàng có kho chứa hàng hóa được áp dụng mức giảm giá bằng mức giá bán lẻ áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám bệnh…
Dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường theo diễn biến dịch
Cũng trong chỉ thị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo sát diễn biến thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...