Núi Chúa và Kon Hà Nừng chính thức trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

3 năm trước 351
Núi Chúa và Kon Hà Nừng chính thức trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới - Ảnh 1.

Vẻ đẹp hoang sơ của điểm du lịch Hang Rái trong cụm du lịch Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa - Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (CIC-MAB) đang diễn ra từ ngày 13 đến 17-9 tại Nigeria, 22 khu dự trữ của 20 nước và nhóm nước đã được đưa ra xem xét để công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. 

Hai khu sinh quyển ở Việt Nam là Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận và Kon Hà Nừng của tỉnh Gia Lai đã được chính thức ghi danh trong dịp này, nâng số lượng các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam lên tổng số 11.

Theo bà Lê Thị Hồng Vân - đại sứ, trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, văn hóa và khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Việt Nam là nước duy nhất có hai hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên xét duyệt và như vậy sau 6 năm, Việt Nam có thêm khu dự trữ sinh quyển mới được ghi danh tầm thế giới.

Nhân dịp này, CIC-MAB cũng đã xem xét báo cáo định kỳ 10 năm công tác quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ và Cù Lao Chàm - Hội An. Các báo cáo này đã nhận được sự đánh giá cao của hội đồng.

Núi Chúa được cho là hệ sinh thái khô hạn đặc trưng Đông Nam Á, với diện tích tự nhiên 29.856 ha, Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Nam Trung Bộ Ninh Thuận, là nơi hội tụ cả 3 không gian rừng, biển và bán sa mạc, gồm nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đây là nơi chung sống của hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có 10 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng rất phong phú với 756 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô, hàng trăm loài động vật biển. Vùng biển Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên đẻ trứng hằng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Một trong những điểm đặc biệt của Vườn quốc gia Núi Chúa là khu vực này có khí hậu khô nóng không kém nhiều nơi ở châu Phi (nhiệt độ cao nhất xấp xỉ 42 độ C). Vì vậy, nơi đây còn được biết đến với cái tên "Rừng khô Phan Rang". Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng đã tạo nên một mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Núi Chúa và Kon Hà Nừng chính thức trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới - Ảnh 2.

Trong Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng có nhiều hệ thác đẹp, là điểm du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn - Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, Kon Hà Nừng được biết tới là khu dự trữ sinh quyển đặc trưng cao nguyên. Nằm trong khu vực tỉnh Gia Lai thuộc Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng rộng hơn 65.000 ha bao gồm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và diện tích rừng trải dài các huyện, thị: Đak Đoa, Kbang, Mang Yang, An Khê... 

Khu vực này có những đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên, sự phong phú của hệ sinh thái rừng kín nhiệt đới, tính đa dạng sinh học cao và đặc biệt là nằm ở một phần diện tích của không ít địa phương nơi có cư dân bản địa sinh sống.

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ là điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.

Sự kiện hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa và Kon Hà Nừng vừa được ghi danh vào mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Như vậy sau 6 năm, nước ta lại có Khu dự trữ sinh quyển thế giới mới được ghi danh (lần gần nhất là Lang Biang, 2015) và sau 12 năm, ta mới lại có cùng một lúc 2 khu được ghi danh (sau hồ sơ Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau được ghi nhận năm 2009).

Việt Nam cũng là nước duy nhất có 2 hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên xét duyệt do hồ sơ của ta bảo đảm tốt các tiêu chí đề ra.

Sự kiện hôm nay thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với sự phát triển đa dạng, độc đáo về giá trị tự nhiên, sinh học, động thực vật, giá trị văn hóa của cộng đồng ở 2 khu dự trữ sinh quyển quốc gia này tại Việt Nam cũng như những nỗ lực của địa phương và người dân trong bảo tồn đa dạng sinh học bền vững.

Bên cạnh đó, việc công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới này không đơn thuần chỉ là danh hiệu, mà tạo tiền đề để các địa phương xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bao trùm của địa phương mình, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân, điều này càng đặc biệt quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Bà Lê Thị Hồng Vân
(đại sứ, trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO)

Với việc UNESCO chính thức công nhận hai khu sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng, Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới:

1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).

2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001).

3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004).

4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004).

5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006).

6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007).

7. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009).

8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009).

9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015).

10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)

11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).

Chinh phục Núi Chúa - "rừng châu Phi tại Việt Nam"Chinh phục Núi Chúa - 'rừng châu Phi tại Việt Nam'

TTO - Khám phá Vườn quốc gia Núi Chúa là tuyến du lịch trải nghiệm tuyệt vời nhưng ít ai biết đến, cả khách nội địa lẫn quốc tế. Đây là vùng đất nổi tiếng có khí hậu và thổ nhưỡng khắc nghiệt, được ví như “rừng khô hạn châu Phi ở Việt Nam và ASEAN”.

Nguồn bài viết