Nông nghiệp hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất

2 năm trước 356
Chú thích ảnhVườn cà phê của Hợp tác xã Nông Nghiệp và Dịch vụ Thương mại ứng dụng Công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) hiện có 15 thành viên với trên 130 ha đất sản xuất; trong đó, có hơn 50 ha sản xuất cây ăn quả như chuối, sầu riêng, bơ,…, còn lại là diện tích trồng cao su, cà phê. Khoảng 40 ha chuối của Hợp tác xã hiện đang được sản xuất theo chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm cho biết, hiện nay, toàn bộ diện tích chuối của đơn vị đã được bón bằng phân hữu cơ tự sản xuất. Nguyên liệu chính để tạo ra loại phân này là chuối hư, hỏng, không đảm bảo chất lượng xuất khẩu, kết hợp cùng các loại cá mương (loại cá nhỏ được kéo từ ao, hồ, sông, suối, có giá trị thấp) và men vi sinh. Quá trình ủ phân sẽ diễn ra trong khoảng từ 2 - 3 tuần, sau đó phân được đưa ra để bón cho chuối. Ngoài ra, trong quá trình ủ sẽ tạo ra nước, Hợp tác xã sẽ pha nước phân này với nước thông thường để tưới cho cây, vừa đảm bảo có thành phần phân bón, vừa giảm thất thoát phân.

“Chúng tôi vẫn phải sử dụng thêm phân bón vô cơ để bón cùng với phân hữu cơ tự sản xuất, nhưng không nhiều. Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ, chúng tôi đã giảm được 1/3 chi phí sản xuất; chất lượng sản phẩm cũng tăng lên, chuối cho quả to hơn, thơm ngon, đặc biệt là có thể sản xuất được nhiều vụ hơn trên cùng một diện tích, như vườn chuối của tôi đã thu mùa thứ 7 rồi những vẫn tiếp tục cho thu hoạch, trong khi các vườn chuối khác sử dụng phân vô cơ chỉ thu được 4 - 5 mùa. Nhờ sử dụng phân hữu cơ, dù giá thành phân bón tăng lên, diện tích chuối vẫn mang về khoản lợi nhuận trên 2,1 tỷ đồng năm 2021”, Giám đốc Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm chia sẻ.

Ngoài chuối, diện tích hơn 40ha cà phê của Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm cũng đang được đơn vị áp dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất. Cũng từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp là vỏ cà phê, Hợp tác xã đã ủ với Trichoderma, mật mía, đạm cá, lân Văn Điển để làm phân bón cho cây cà phê. Nhờ đó, giảm được 1/3 chi phí sản xuất, quan trọng hơn là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đã tạo ra sản phẩm cà phê sạch, an toàn, nâng cao giá trị cho cà phê Kon Tum.
 
Trước đó, giá phân bón cũng như chi phí logistics tăng cao khiến các doanh nghiệp, nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, lợi nhuận thấp do bị chi phối từ nguyên, vật liệu nông nghiệp.

Đến nay, cùng với việc sử dụng phân bón hữu cơ, nông dân tại Kon Tum cũng đang triển khai mạnh mô hình trồng cỏ lạc. Loại cỏ này thuộc họ đậu, không chỉ giúp tơi xốp đất, mà còn giữ nước, phòng, chống hạn hán và giảm chi phí chăm sóc cây. Đơn cử, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô (huyện Đăk Hà) cũng đã sử dụng loại cỏ này để trồng giữa luống cà phê từ năm 2018.

Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô cho biết, trên vườn cây áp dụng, cùng với hệ thống tưới nước tiết kiệm, cây cỏ lạc đã giúp giảm 15 – 25% lượng nước tưới, giảm khoảng 20% công tưới. Nhờ đó, Hợp tác xã vẫn duy trì được khoản lợi nhuận ổn định trong bối cảnh giá cả phân bón, nguyên, vật liệu “phi mã” như hiện nay.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, trước thực trạng tăng giá nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với phòng nông nghiệp các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chương trình quản lý cây trồng tổng hợp ICM; sử dụng phân bón tiết kiệm. Đặc biệt, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất, trồng trọt của địa phương.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ; triển khai các giải pháp, ứng dụng mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Theo đó, triển khai chương trình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm, chế phẩm nông nghiệp nhằm giảm giá thành sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

“Bên cạnh việc nghiên cứu và nhân rộng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và trồng cỏ lạc để giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị thặng dư cho người nông dân, ngành nông nghiệp cũng đang vận dụng các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương phù hợp để phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu; trong đó, có nông nghiệp hữu cơ; đồng thời ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và phục vụ cho xuất khẩu trong thời gian tới”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum khẳng định.

Nguồn bài viết