Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn (giữa) trả lời các câu hỏi của báo chí - Ảnh: CHÍ TUỆ
Tại buổi họp báo chương trình Tự hào nông dân Việt Nam diễn ra ngày 24-11, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết năm 2021 có rất nhiều nông dân trẻ với thành tích vượt trội có quy mô sản xuất lớn hơn, thu nhập cao hơn so với các năm trước.
Cao nhất là nông dân Đinh Ngọc Khương ở Bình Dương thu nhập 90 tỉ đồng/năm với mô hình nuôi gà lạnh đẻ trứng, ấp trứng bán gà giống.
Theo ông Sơn, có nhiều nông dân Việt Nam ứng dụng công nghệ kỹ thuật sản xuất mới và nhiều nông dân tham gia chuỗi chế biến, chuyển đổi số. Những nông dân xuất sắc chưa hẳn đã có thu nhập cao hoặc chưa đạt những thành tựu xuất sắc trong sản xuất nhưng đây là những tấm gương nỗ lực vượt khó, có đóng góp tích cực cho cộng đồng.
63 nông dân xuất sắc năm nay là 63 màu sắc trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, phát minh sáng kiến và sáng chế, trang trại tổng hợp, chế biến dịch vụ nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng…
"Bản thân một số nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 cũng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng mỗi người đều mang một thông điệp riêng, mỗi người là một câu chuyện về sự nỗ lực vươn lên làm giàu, sống đẹp, sống có ích" - ông Sơn nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc hỗ trợ như thế nào cho bà con sau lễ tôn vinh, ông Sơn cho biết Hội Nông dân Việt Nam cũng như hội nông dân các tỉnh, thành phố không chỉ tôn vinh các nông dân, mô hình điển hình mà còn hỗ trợ, đầu tư để các mô hình này phát triển bền vững và nhân rộng thêm tại các địa phương.
"Trong chương trình tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc các năm tới, chúng tôi sẽ tính đến nhiều hơn nữa các vấn đề, mô hình, dự án tiêu biểu ở các lĩnh vực, mô hình, phong trào mới để vừa tôn vinh vừa đầu tư sau tôn vinh" - ông Sơn nói.
Trong khuôn khổ chương trình Tự hào nông dân Việt Nam cũng sẽ diễn ra diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6 với chủ đề "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp"; tọa đàm "Ngày nông dân không dùng tiền mặt".
Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay, ông Lưu Quang Định cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến hơn không chỉ trên thế giới mà cả ở tại Việt Nam. Tuy vậy, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn cũng còn ít nhiều khó khăn từ hạ tầng đến nhận thức.
Theo thống kê, đến tháng 8-2021 tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đạt 11,36%, trong khi mục tiêu của Chính phủ là đưa tỉ trọng này xuống dưới 10%.