'Nếu dịch kéo dài thêm nữa, không biết doanh nghiệp kham nổi được bao lâu'

3 năm trước 406
Nếu dịch kéo dài thêm nữa, không biết doanh nghiệp kham nổi được bao lâu - Ảnh 1.

Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 1-9, Tổng cục Thủy sản phối hợp Trung tâm ICAFIS (Hội Nghề cá Việt Nam) tổ chức "Diễn đàn tôm Việt 2021 online - Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh COVID-19" với gần 1.000 điểm cầu tham gia.

Ông Châu Công Bằng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh có 38 nhà máy chế biến thủy sản. Chi phí sản xuất vốn đã cao, nay thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải thuê khách sạn, nhà trọ và thuê xe vận chuyển khiến chi phí tăng thêm, dẫn đến giá tôm thu mua vào bị giảm xuống. 

"Nếu dịch bệnh kéo dài thêm nữa, tôi không biết doanh nghiệp còn kham nổi thêm được bao lâu, rất khó khăn", ông Bằng nói.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết trong tình hình giá tôm đang thấp, tỉnh có thể vận động người dân thả nuôi tôm đạt kế hoạch đề ra, nhưng hiệu quả kinh tế thì không đạt. Tỉnh kiến nghị cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý giá thức ăn thủy sản vốn đang tăng liên tục, xem xét hỗ trợ giảm  tiền điện cho hộ nuôi tôm mức từ 10% đến 30% tính từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022.

Ông Võ Quan Huy - chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) - cho rằng chủ trương giãn cách xã hội nhiều lúc, nhiều nơi đã gây khó khăn cho người nuôi tôm, chưa kể nhiều địa phương làm "quá tay" khiến bà con nuôi tôm mất mát nhiều. 

Ông Huy đề xuất một số giải pháp như tạo điều kiện đi lại liên ấp, liên xã đối với người đã tiêm 1 mũi vắc xin sau 15 ngày và đi lại liên huyện, liên tỉnh đối với người tiêm 2 mũi sau 15 ngày; nghiên cứu mở lại các chợ đầu mối vì đây là kênh tiêu thụ khoảng 10% của ngành tôm…

Ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - so sánh tình hình sản xuất thủy sản hiện tại như trong bối cảnh "kinh tế thời chiến", mọi thứ phải ưu tiên cho vấn đề chống dịch, nên doanh nghiệp cần chia sẻ. 

Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng thời gian tới tình hình có nhiều thay đổi khi vắc xin đã được bao phủ ở mức nhất định và giãn cách xã hội đã kéo dài quá lâu, vì vậy cần xem xét lại việc tổ chức sản xuất một cách phù hợp hơn.

Ông Hòe kiến nghị Bộ NN&PTNT cần thúc đẩy các địa phương cụ thể hơn trong sản xuất, chế biến thủy sản như đối với tỉnh dựa vào nguồn thu dựa vào thủy sản chủ yếu thì cần thế nào, tỉnh nuôi cá tra là chủ yếu thì nên thế nào… 

Ngoài ra, quy định "1 cung đường, 2 điểm đến" hiện nay cần để cho doanh nghiệp tự nguyện, tự chịu trách nhiệm chứ không phải theo kiểu đăng ký với cơ quan chức năng, được thì cho hoạt động, không được thì "khóa", không cho sản xuất mà ông cho rằng như vậy là "cực đoan quá".

Nếu dịch kéo dài thêm nữa, không biết doanh nghiệp kham nổi được bao lâu - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp chế biến tôm ở ĐBSCL đang gặp khó khăn vì phải sản xuất "3 tại chỗ" và lo lắng thiếu hụt nguyên liệu trong những tháng cuối năm 2021 khi người dân ngại thả nuôi vụ mới - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo Tổng cục Thủy sản, việc thu hoạch và tiêu thụ tôm đang gặp rất nhiều khó khăn như: khó kêu gọi thương lái hay nhà máy thu mua tôm do hạn chế trong việc đi lại; giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm; thiếu người, phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm) do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng dịch phải bị cách ly 14 đến 21 ngày; một số nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động hoặc phải thực hiện "3 tại chỗ" nên công suất giảm…

8 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm ở ĐBSCL tăng 1%, nhưng giá bán tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động thả nuôi tôm đang có chiều hướng giảm do tâm lý e ngại của người nuôi.

"Trên quy định là 1 chuyện, còn quyền lực là ở các chốt"

Ông Ngô Thanh Toàn - giám đốc một công ty thủy sản ở TP Cần Thơ - phản ảnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, xe đăng ký "luồng xanh" sẽ được lưu thông thông suốt nhưng hiện mỗi địa phương mỗi khác.

Ông Toàn dẫn chứng như ở Tiền Giang, doanh nghiệp của ông qua huyện Tân Phú Đông chở tôm thu hoạch từ vùng nuôi của mình về Cần Thơ tiêu thụ bằng xe có đăng ký "luồng xanh" nhưng khi đến chốt ở địa phương này lại không được cho đi. Doanh nghiệp phản ảnh khắp nơi, từ 17h đến 19h mới được giải quyết cho đi. "Trên quy định là một chuyện, còn quyền lực là ở các chốt", ông Toàn bức xúc.

Ông cho biết xe luồng xanh của doanh nghiệp cũng bị làm khó như vậy ở Sóc Trăng. Ông Toàn kiến nghị cần cho phép doanh nghiệp đăng ký tài xế, phương tiện cụ thể để được cấp thẻ ưu tiên có thể lưu thông trên tất cả các tuyến đường thuộc "luồng xanh" và việc này cần được quy định nhất quán trên phạm vi toàn quốc chứ không riêng địa phận nào.

Bạc Liêu thành lập tổ điều phối, tiêu thụ nông sản, Cà Mau thu hoạch lúa trong đêmBạc Liêu thành lập tổ điều phối, tiêu thụ nông sản, Cà Mau thu hoạch lúa trong đêm

TTO - Ngoài việc thành lập tổ điều phối, kết nối, tiêu thụ nông sản giúp dân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở Bạc Liêu sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng không hỗ trợ kịp thời cho dân.

Nguồn bài viết