Người dân khám bệnh có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN
Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đang được lấy ý kiến sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất phương án tăng mức đóng BHYT người tham gia bảo hiểm theo diện hộ gia đình. Việc này nếu được thông qua sẽ gây khó hơn cho người lao động tự do, người nghèo, người không có việc làm, hộ nông thôn...
Thêm nặng gánh lo
Nếu như dự thảo luật được thông qua, bên cạnh khoản doanh nghiệp chi, người lao động sẽ chi thêm 0,5% tiền lương tháng cho BHYT.
Còn mức đóng BHYT hộ gia đình, theo dự thảo luật mới, người thứ nhất đóng ở mức 6% lương cơ sở, từ người thứ hai trở đi sẽ bằng 80% mức đóng của người đầu tiên.
Một gia đình 5 người đang tham gia BHYT hiện tại mức đóng bảo hiểm một năm của gia đình này sẽ chỉ hơn 2,5 triệu đồng. Nếu theo mức dự thảo luật mới thì hộ gia đình này phải chi trả cho BHYT hơn 4,5 triệu đồng/năm.
Trong tình trạng "bão giá" như hiện nay, thêm khoản chi nào cũng làm tăng gánh nặng cuộc sống, đặc biệt là đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo... (nơi phần lớn người dân tham gia BHYT theo hộ).
Trong năm 2021, đã có hơn 700.000 người lao động vì quá khó khăn đã tạm dừng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và nhiều người vẫn chưa có việc làm mới. Việc tăng thêm mức đóng BHYT sẽ càng đẩy người lao động vào thế khó.
Nên có mức trần - sàn trong BHYT
Trong khi hàng triệu người sẽ vướng khó khi cố gắng chi thêm tiền BHYT cho gia đình mình thì vẫn có không ít người có BHYT nhưng không cần dùng đến vì họ có mua thêm một loại bảo hiểm sức khỏe khác.
Nếu so sánh về mục đích cũng như những quyền lợi giữa BHYT và bảo hiểm nhân thọ (BHNT) thì khá khập khiễng, vì mỗi loại hình bảo hiểm đều có những mặt lợi thế riêng.
Tuy nhiên, nếu xét về tính linh hoạt và sự đa dạng trong cách vận hành thì BHNT có lợi thế hơn vì người tham gia được quyền lựa chọn hình thức bảo vệ sức khỏe, được quyết định chi phí có thể bỏ ra để mua bảo hiểm. Vậy tại sao chính sách BHYT hiện nay tại nước ta đang đóng khung mức đóng?
Theo tôi, thay vì yêu cầu tăng mức phí đóng BHYT "cố định" theo dự thảo luật mới, tại sao không quy định nhiều mức đóng, có trần và sàn trong đóng phí BHYT.
Với mỗi mức đóng khác nhau, BHXH sẽ quy định cụ thể những quyền lợi mà người dân được hưởng. Như vậy, tùy điều kiện, nhu cầu và tình trạng sức khỏe, người dân có quyền lựa chọn mức đóng.
Ví dụ một thanh niên trai tráng có thể chọn hạn mức thấp, một người có độ tuổi trung niên, có bệnh nền có thể chọn bảo hiểm mức trần - hạng cao nhất. Chính sách bảo hiểm toàn dân thì cũng nên phục vụ theo nhu cầu của người dân. Và nguồn thu quỹ BHYT cũng sẽ tăng lên nếu có nhiều mức đóng cho dịch vụ cao hơn.
Nhiều năm qua có khá nhiều doanh nghiệp đã chi mua những gói bảo hiểm sức khỏe giá cao để người lao động được hưởng dịch vụ đa dạng hơn. Nếu có thêm những thay đổi tạo thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận đến chính sách BHYT theo khả năng và nhu cầu, mục tiêu 100% người Việt tham gia BHYT sẽ không xa.
Đừng đẩy thế khó về bệnh nhân
Khi tăng thêm mức đóng BHYT, điều người dân mong chờ được hưởng các dịch vụ thuộc chi trả của BHYT cũng phải được tăng theo.
Mong không còn tình trạng thiếu thuốc đặc trị cho bệnh nhân có BHYT chỉ vì... không kịp thời đấu thầu thuốc và bệnh nhân phải chi số tiền lớn để mua thuốc bên ngoài. Những câu chuyện kiểu "hết thuốc", "thiếu thuốc" BHYT diễn ra từ lâu và tại nhiều địa phương.
Thông tin BHXH Việt Nam sẽ dừng chi trả cho các dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn - máy đặt tại cơ sở y tế lại gây thêm nỗi lo. Điều này đẩy "thế khó" về các bệnh viện và đẩy "thế kẹt" về các bệnh nhân khi (có thể) người bệnh phải tự bỏ tiền túi chi trả cho nhiều xét nghiệm.
Nếu có gì chưa đúng xung quanh việc vận hành - sử dụng máy móc, đấu thầu vật tư hóa chất, cần phải khắc phục nhanh.
Ai, nơi nào sai thì xử nghiêm, đừng để bệnh nhân BHYT thiệt thòi. Mọi thay đổi nên đặt lợi ích số đông người dân lên trên, cao hơn những kiểu lợi ích trong đấu thầu, sử dụng vật tư y tế.