Helly Tống (Tống Khánh Linh) là nữ doanh nhân, người hoạt động cộng đồng kiêm người mẫu - Ảnh: MI LY
Chính tình yêu này khiến cô tìm thấy hành trình của mình: mọi thứ xoay quanh sống xanh. Bây giờ, khi đã đọc thêm nhiều sách và có thêm nhiều suy ngẫm qua trải nghiệm thực tế, Helly muốn gọi đó là sống thuận tự nhiên thì đúng hơn là sống xanh.
"Không muốn thống trị lối sống xanh"
Với nhiều bạn trẻ hiện nay, cái tên Helly Tống từ lâu đã gắn liền với sống xanh. Cô được yêu mến không chỉ vì vẻ đẹp phù hợp với những bộ ảnh thời trang sang trọng, mà vì Helly thực sự là người mang lại cảm hứng sống, cảm giác trong lành cho bất cứ ai từng tiếp xúc. Thế nhưng, Helly không hề coi mình là người dẫn đầu hay "thống trị" lối sống xanh.
Năm nay, ở tuổi 27, Helly Tống là nhà sáng lập kiêm CEO của The Yen Concept - mô hình kinh doanh cây xanh mang lại sự cân bằng cho cuộc sống hiện đại, đồng sáng lập Lại Đây Refill Station - chuỗi cửa hàng kinh doanh các sản phẩm xanh, hầu hết là hàng Việt Nam với triết lý "refill" (đổ đầy) nhằm tái sử dụng và giảm thiểu rác thải.
Trong lĩnh vực kinh doanh, việc sản xuất quy mô lớn và hàng loạt trong thời gian ngắn có thể mang lại những hậu quả về môi trường.
Helly Tống chia sẻ: "Tôi để mô hình kinh doanh của mình phát triển rất chậm chứ không nhanh như mì ăn liền. Tôi thích chữ "nature" vì nó có 2 nghĩa "bản chất" và "thiên nhiên". Mà bản chất của con người và thiên nhiên luôn gắn bó với nhau, các nhà khoa học đã chứng minh điều đó. Điều gì thuận theo tự nhiên thì con người rồi sẽ đi theo".
Helly không chỉ bán sản phẩm mà còn cung cấp các mẹo sống xanh hữu ích, thiết thực và tổ chức các hoạt động xanh như Thư viện xanh (thư viện sách sống xanh với trên 100 đầu sách), workshop tái chế đồ dùng, phiên chợ trao đổi đồ cũ, thư viện hạt giống và cây xanh, thu gom tái chế, nhặt rác vào Ngày Trái đất, giải cứu nông sản và tránh lãng phí thực phẩm...
Trong năm 2019 và 2020, Lại Đây đã quyên góp vật dụng để trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Tà Lài - Đồng Nai, Tiền Giang và Đắk Lắk. Trong các phần quà, ngoài học bổng còn có bàn chải đánh răng, bánh xà phòng thảo mộc, sách và dụng cụ học tập, quần áo, giày dép cũ...
Với Lại Đây Refill Station, mô hình bán hàng đang được yêu thích ở thành phố lớn, Helly hướng tới tính chất xanh ở cả nguồn gốc sản phẩm, được đăng tải chi tiết trên trang web của cửa hàng.
Bên cạnh kinh doanh, Helly say mê hoạt động xã hội với vai trò giám đốc truyền thông và giám đốc tác động sáng tạo (creative impact director) của quỹ Sống.
Trước khi về với quỹ Sống vào năm 2020, cô tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, trong đó có hoạt động về môi trường của các tổ chức Change và WildAid. Ở tuổi 27, cô đã đi được một hành trình dài kể từ khi tìm thấy triết lý sống mà mình muốn theo đuổi. Suốt 8 năm nay, hình ảnh của cô gắn liền với lối sống xanh, kinh doanh dựa trên lối sống xanh.
Năm 2021, giữa lúc các doanh nghiệp Việt Nam đang lao đao vì dịch COVID-19, Helly khởi xướng chiến dịch #TogetherRecover (Cùng nhau phục hồi), nhằm chia sẻ, kết nối thương hiệu miễn phí cho các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tiêu chí xanh và bền vững. Có 28 doanh nghiệp đã tham gia và được cô hỗ trợ.
Helly Tống từng để mái tóc dài, không hóa chất và cắt đi để làm tóc giả cho bệnh nhân ung thư, đó cũng là một cách sống xanh được nhiều người hưởng ứng gần đây - Ảnh: The Yên Concept
Điều thu hút khách hàng không chỉ là được mang bình đến refill, mà là biết được sản phẩm đó đến từ đâu, có thực sự xanh hay không. Họ là người tiêu dùng thông minh. Họ có khả năng truy cập thông tin và biết cả chuỗi cung ứng của người bán
Helly Tống quan niệm.
Hạnh phúc cũng có màu xanh
Sống xanh, theo cách hình dung nhỏ nhất, là hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần trong các hoạt động thường ngày.
Nhưng theo cách hình dung vĩ mô, đó là những hành động chống lại biến đổi khí hậu, mang lại môi trường xanh sạch, trong lành hơn cho người dân trên toàn hành tinh.
Trong khi nhiều người đã nản chí, buông xuôi khi dùng đồ nhựa vô tội vạ và không kiểm soát được lượng rác thải mỗi ngày, Helly Tống tin rằng một hành động nhỏ trong cách sinh hoạt hằng ngày cũng có thể thay đổi thế giới.
Từ việc mang theo bình nước khi ra ngoài, tái sử dụng chai nhựa đựng mỹ phẩm, hay đến những việc lớn hơn như trồng rừng, cô không quản ngại.
Cùng quỹ Sống và chương trình Hạnh Phúc Xanh, trong năm 2020 và 2021, Helly Tống tham gia các hoạt động trồng rừng ngập mặn ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng (đạt mốc 37.400 cây với tỉ lệ sống 99%), trồng rừng ở Thuận Nam, Ninh Thuận (thuộc dự án "Giao hưởng rừng xanh", đạt mốc 41.000 cây).
Hạnh Phúc Xanh là chương trình thúc đẩy việc trồng cây kéo dài 70 năm, với mục tiêu tăng mật độ cây xanh ở Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể hơn của chương trình là đến năm 2025 sẽ trồng được 640.000 cây tại các đô thị và rừng Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh.
Tôi chọn lối sống đó vì bản thân mình trước chứ không phải vì mọi người, hay vì muốn "thống trị" lối sống đó. Làm sao để sống đúng như cách mình nghĩ mới là khó. Khi đã làm được, mình không cần phải thuyết phục người khác. Sống như vậy là một lựa chọn. Tôi không muốn ép người ta chọn thứ họ không muốn
Helly Tống nói với Tuổi Trẻ.
"Trồng 3.000 cây nhưng chết hết thì vấn đề ở đâu?"
Đi trồng rừng với rất nhiều ước mơ và hy vọng cho thế hệ tương lai, Helly vẫn giữ suy nghĩ thực tế. Trồng ra sao để cây sống được mới là vấn đề, đừng chỉ trồng để tạo dựng hình ảnh đẹp cho bản thân.
Cô chia sẻ: "Tôi không phải là người trực tiếp trồng rừng về kỹ thuật mà là người làm dự án, nhưng cũng đã trải qua sự vỡ mộng trước thực tế. Ngày trước, tôi nghĩ trồng rừng đơn giản là đến rồi cắm cái cây xuống đất. Nhưng khi bắt tay vào làm thì vấn đề lớn là khả năng sống của cây con. Trồng 3.000 cây con nhưng chết hết thì vấn đề nằm ở đâu?
Ngày nay, các yếu tố như khí hậu, môi trường và nhiều thứ liên quan khác đều rất phức tạp. Trước đây, trồng một cây tốn 40.000 đồng nhưng ngày nay lên đến hơn 100.000 đồng vì cần nhiều nguồn lực".
Từ việc làm thực tế, Helly nhận ra một hoạt động trồng rừng muốn hiệu quả thì cần nhà khoa học dự báo trước thiên tai để phòng trừ, cần cán bộ và người dân địa phương để đánh giá và chăm sóc cây đúng cách, lâu dài. Vì họ là người sống ở địa phương, đã trồng rừng lâu năm rồi nên mới đủ kinh nghiệm bảo vệ cánh rừng đã trồng.
Cô tự nhận sự có mặt của mình đôi khi cũng là để... làm dáng thôi chứ mình từ xa đến, không thể thông thạo mọi thứ. "Đương nhiên, mình hãy cố gắng đưa những hình ảnh đó đến với những ai muốn đóng góp, chứ thực sự trồng rừng không dễ như trồng cây trong nhà hay trong chung cư", cô nói.
Đi trồng rừng giúp cô nhận ra giá trị thực sự của tự nhiên: "Rừng không chỉ là những thân cây to mà còn là những cuộc đời đã trôi qua, mà ông bà mình đã không còn sống để kể lại. Tự nhiên có ngôn ngữ riêng của nó, không cần giải thích gì hết". Trở lại với chủ đề mà Helly bị hỏi nhiều nhất: "Sống xanh là gì?".
Cô nói: "Ngày nay, mọi người làm khó nhau vì họ đặt tên quá nhiều cho hành động. Họ bị gò bó vì những suy nghĩ áp đặt lên nhau. Sống xanh không phải là những hình thức, khái niệm chúng ta khắt khe áp đặt lên nhau, mà là tình yêu với tự nhiên và sống thuận theo nó".