Nâng cao ý thức văn hóa giao thông

1 năm trước 144
Chú thích ảnhLực lượng CSGT và Thanh tra giao thông tổ chức hướng dẫn phân làn các phương tiện trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tuy nhiên, trên thực tế ở Thủ đô, mặc dù có sự vào cuộc tích cực từ các sở, ngành chức năng nhưng việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều hạn chế, không ít người vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, lấn làn, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm...

Mới đây, người dân khu chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chứng kiến một vụ tai nạn giao thông thương tâm xuất phát từ việc không chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của cả người bị nạn và cư dân. Chiếc ô tô đỗ dưới lòng đường che khuất tầm mắt, trong khi một chiếc xe khác từ tòa nhà CT3C-X2 rẽ xuống đường, một người đàn ông đi xe máy có hơi men trong người đã không làm chủ được tốc độ lao lên. Hậu quả là người đàn ông đi xe máy bay sang phía bên kia và bị thương, người dân phải đưa đi cấp cứu. 

Không ít trường hợp tai nạn giao thông xảy ra là do sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8%... 

Có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng “mạnh ai nấy đi” trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô, nhất là vào những giờ cao điểm khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng. Ba lỗi điển hình nhất của tình trạng này là chạy sai làn, đi vào làn khẩn cấp và không nhường nhau.

Ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn giao thông của người dân chưa cao còn thể hiện ở việc trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khi vắng bóng lực lượng kiểm tra, tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, sử dụng còi tùy tiện, lưu thông không đúng làn đường… thường xảy ra.

Xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông trước hết là tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đòi hỏi sự tự giác của mỗi người dân. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội được đẩy mạnh với hình thức đa dạng, phong phú, qua đó nâng cao ý thức cho mỗi người dân cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông. Để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý cũng như nâng cao ý thức, chuẩn mực văn hóa giao thông, cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho người dân.

Nguồn bài viết