Nâng cao năng lực trước tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ven biển

3 năm trước 741
Chú thích ảnhBờ kè bến cảng cá Nam Cửa Việt (Quảng Trị) bị sụt lún, sạt lở. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh (GCF), UNDP và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.
 
Tham dự hội thảo gồm đại diện của Tổng cục Phòng chống thiên tai, UNDP, 7 ban quản lý dự án cấp tỉnh, đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của 21 tỉnh ven biển, Hội Liên hiệp Phụ nữ.
 
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết: Việc nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân khu vực ven biển thông qua tập huấn và đánh giá rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Đây là nền tảng chính để hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân duyên hải thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
 
Các khóa tập huấn này cũng đóng góp cho nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng thông qua Quyết định mới 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.
 
Nhằm nâng cao hiểu biết của người dân trong việc chủ động thích nghi với biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai, dự án sẽ mở rộng các hoạt động tập huấn và chia sẻ thông tin cho 21 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.
 
Cố vấn kỹ thuật cao cấp của UNDP Việt Nam Khusrav Sharifov nhấn mạnh: Với mức độ dễ bị tổn thương của Việt Nam trước sự biến đổi khí hậu và các tác động của thiên tai, điều quan trọng là phải tăng cường năng lực ngay từ cấp cộng đồng. Thông qua quan hệ đối tác với Tổng cục Phòng chống thiên tai và các tỉnh, chúng tôi đang chú trọng vào việc tăng khả năng chống chịu ở tất cả các cấp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của lốc, bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn đối với các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương.
 
UNDP đã và đang hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Phòng, chống thiên tai để thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” do Chính phủ Việt Nam phát động vào năm 2009 (Đề án 1002). Đến cuối năm 2021, dự án sẽ tiếp cận 520 cộng đồng ở 7 tỉnh ven biển để giúp họ đánh giá rủi ro và hỗ trợ các cộng đồng này xây dựng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu của riêng họ. Dự kiến, sẽ có hơn 10.000 người sẽ được tiếp cận thêm các thông tin về rủi ro khí hậu và thiên tai cũng như các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
 
Tính từ năm 2018 tới nay, dự án đã tổ chức các khóa tập huấn tập huấn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) cho hơn 44.000 người tại 373 xã ven biển và cận ven biển thuộc 7 tỉnh gồm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.
 
Tại các khóa tập huấn này, chính quyền xã và người dân được cung cấp kiến thức cùng nhau xác định các giải pháp phòng, chống thiên tai và xây dựng kế hoạch hành động để tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Nguồn bài viết