NPA tài trợ tỉnh Quảng Trị gần 30 tỷ đồng để giảm thiểu tai nạn bom mìn

2 năm trước 377
Chú thích ảnhĐội xử lý bom mìn MAG Quảng Bình vận chuyển an toàn quả bom ra khỏi hiện trường. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Mục tiêu của dự án là triển khai thành công và có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hoạt động liên quan đến công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh; đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn bom mìn, vật nổ đối với cộng đồng, tạo môi trường an toàn cho người dân lao động sản xuất. Dự án có tổng vốn thực hiện trên 1,3 triệu USD tương đương gần 30 tỷ đồng do NPA viện trợ không hoàn lại, thực hiện trong 4 năm từ 2022 – 2025.

NPA là một tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực hành động bom mìn và giải trừ vũ khí, phát triển và viện trợ nhân đạo. Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay, NPA đã phá bom mìn làm sạch hàng chục triệu mét vuông đất ở Quảng Trị bị ô nhiễm do bom mìn và vật nổ; qua đó tạo môi trường an toàn cho người dân sinh sống và phát triển kinh tế. Ngoài ra NPA còn hỗ trợ Việt Nam đào tạo hủy nổ bom mìn và các lĩnh vực khác.

Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã rà phá được hơn 25.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn; phát hiện và xử lý an toàn trên 765.000 bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh; đồng thời, hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân bom mìn, nâng cao nhận thức về nguy hiểm bom mìn cho hầu hết người dân và học sinh.

Quảng Trị phấn đấu đến sau năm 2025 sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn”, không chịu tác động của bom mìn và vật nổ sót lại sau chiến tranh. Để đặt được mục tiêu này, từ năm 2022 - 2025, bình quân mỗi năm tỉnh phấn đấu rà phá được khoảng 3.000 ha đất ô nhiễm bom mìn; vận động viện trợ từ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài 10 triệu đô la Mỹ/năm để khắc phục hậu quả bom mìn; hoàn thành 100% hoạt động khảo sát bom chùm và công bố các khu vực xác định nguy hiểm do ô nhiễm bom mìn; xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn.

Nguồn bài viết