Những ân nhân không danh tính

3 năm trước 343
Những ân nhân không danh tính - Ảnh 1.

Người dân tặng quà tổ công tác trực chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: THANH BÌNH

TP Thủ Đức của tôi là địa phương có nhiều chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 nhất của TP.HCM. Trong lần thứ tư dịch COVID-19 tái xuất hiện, Thủ Đức lập thêm nhiều chốt kiểm soát mới và tôi được túc trực tại chốt trên đường Đào Trinh Nhất, phường Linh Tây.

Ca trực nào chúng tôi cũng đều nhận được vô vàn sự sẻ chia từ người dân với lực lượng tham gia chống dịch.

Chỉ nhận lời cảm ơn

Trưa tháng 5 nắng như đổ lửa, một anh công nhân mồ hôi ướt đẫm áo đồng phục, ghé vào tặng chúng tôi những ly nước dừa mát lạnh. 

Nước đã mua rồi không thể trả lại, tôi cảm ơn và khẩn khoản xin được chia sẻ chi phí vì biết mùa dịch công việc không ổn định, lương của anh đã thấp lại càng thấp hơn. 

Thế nhưng, những lời nói chân thành của anh khiến cả tổ công tác nghẹn ngào: "Các anh trực vất vả cũng là để người dân được an toàn. Của ít lòng nhiều, nhận được lời cảm ơn là tôi vui rồi".

Mới 15h, một bác gái ghé vào hỏi chúng tôi ấm áp như người nhà: "Chiều nay các con thích ăn món gì để má nấu?". Chúng tôi cảm động và giải thích với má rằng đã được cơ quan chuẩn bị suất ăn. 

Má liền tìm cách khác: "Vậy để tối má nấu cháo gà đem qua". 22h chúng tôi được thưởng thức món cháo gà của má. Bỗng trong tôi hiện lên hình ảnh của người mẹ ở quê nhà. Mẹ cũng quan tâm chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ ngay cả khi tôi đã đi làm.

Có lần vào sáng sớm, một anh chở theo cậu con trai khoảng 4 tuổi trên xe gắn máy đến tặng chúng tôi bánh mì thịt và cà phê. 

Tôi xin được hỏi tên cùng số điện thoại nhưng anh từ chối khéo, chỉ nói ngắn gọn trước lúc tạm biệt: "Tôi cảm ơn các anh mới đúng! Có các anh ở đây bà con yên tâm lắm!". 

Chắc chắn con trai của anh sớm học được từ cha bài học sẻ chia nhân ái. Anh đi rồi tôi được chị bán thuốc lá gần đó kể lại rằng bánh mì mới chỉ là vật chất, tấm lòng thành của anh còn quý hơn vàng. Trước đó anh đã kiên nhẫn đứng chờ chúng tôi làm nhiệm vụ xong rồi mới mang đến tặng.

Chú bảo vệ dân phố phường Linh Tây tâm sự rằng tình người chẳng bao giờ thiếu. Có đêm chú đi tuần tra, bỗng nghe một bác trai gọi. Lúc đầu chú tưởng xảy ra vụ việc gì, nhưng hóa ra là bác gửi tặng tổ tuần tra thùng mì tôm. Những nguồn động viên tinh thần lớn lao ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những người làm nhiệm vụ.

Các anh trực vất vả cũng là để người dân được an toàn. Của ít lòng nhiều, nhận được lời cảm ơn là tôi vui rồi.

Một người dân

Lan tỏa yêu thương

Những lần trực tại các chốt kiểm soát khác tôi cũng gặp nhiều tấm lòng thơm thảo tương tự. Đều là những ân nhân không để lại danh tính. Có đêm một chị bán trứng vịt lộn dạo ghé tặng hơn chục trứng nóng hổi. Biết mỗi tối chị bán chẳng được bao nhiêu nên chúng tôi xin gửi tiền. 

Chị từ chối và trải lòng đầy cảm xúc khiến tất cả không cầm được nước mắt: "Khó khăn của tôi so với vất vả, hy sinh của các anh chị nào có đáng gì. 

Các anh chị có mặt ở đây là để đẩy lùi dịch bệnh, giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường". Có được lòng dân là có tất cả, tôi tin cuộc chiến trên "mặt trận" mới mẻ, với "kẻ thù" vô hình này dù còn lắm gian nan nhưng nhất định thắng lợi.

Buổi chiều ngày bầu cử (23-5) tôi trực chốt kiểm soát dịch bệnh trong cơn mưa như trút nước. Tấm bạt che mưa nắng của tổ công tác trở nên quá mong manh. 

Thế nhưng đã có những bàn tay của người dân gần đó chung sức làm thành lũy vững chắc, ngăn mưa gió dữ dội như ngăn giặc COVID-19 hoành hành. Đồng nghiệp tôi ở các tuyến biên giới còn vất vả hơn nhiều và cũng luôn nhận được những tình cảm quân - dân khăng khít.

Chúng tôi trích tặng lại những món quà đong đầy ý nghĩa nhân văn cho người nhặt ve chai, bán vé số dạo... 

Nhiều người xúc động khi nghe tôi kể lại nguồn gốc của món quà. Đang lúc dịch bệnh, ai cũng gặp khó khăn nhưng truyền thống của một TP.HCM nghĩa tình, bao dung thì không bao giờ thiếu.

Đáp lại tấm chân tình nhận được, chúng tôi nỗ lực làm việc xem như một cách tri ân. Ở đâu có dịch là ta cứ đi - đó cũng là khẩu hiệu hành động của chúng tôi lúc này. Đồng đội của tôi có người cha mẹ đang bệnh nặng nhưng vẫn "giấu" cơ quan và đều đặn trực chốt.

Ngay cả y sĩ Lê Thanh Mai, Trung tâm Y tế Thủ Đức, đang sát cánh cùng tôi nơi tuyến đầu chống dịch, ở "hậu phương" con gái lớn 10 tuổi của chị chăm sóc cô em 1 tuổi cũng "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" như mẹ vậy. 

Song những chuyện nhỏ riêng tư ấy đều không thấm vào đâu so với sứ mệnh chúng tôi mang trên người. Không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ, đó là niềm vinh dự và tự hào của chúng tôi.

Đã có 135 email gửi bài dự thi

Mời bạn đọc kể những cảm xúc, hình ảnh về những câu chuyện nghĩa tình người thật việc thật; những hành động, nghĩa cử cao đẹp, tấm gương xả thân, cống hiến nơi tuyến đầu COVID-19 ở TP.HCM.

Đó có thể là từ chung cư đang giãn cách, từ khu cách ly tập trung hay từ những ngày thực hiện chỉ thị 15, chỉ thị 16... Hãy gửi về email: [email protected] hoặc gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19".

Bài dự thi từ 700 - 1.000 chữ, gửi bài từ ngày 2-7 đến hết ngày 30-9-2021. Dự kiến trao giải ngày 15-10-2021.

Bài dự thi đạt yêu cầu sẽ được đăng trên Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online (có nhuận bút) cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn đang chờ bạn. Hãy chia sẻ cảm xúc để tình người lan tỏa.

Tính đến 17h30 ngày 7-7, email [email protected] đã nhận được 135 email của bạn đọc gửi bài dự thi. Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và báo Tuổi Trẻ chân thành cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc.

Những ân nhân không danh tính - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

'Người hùng đi chợ' ở chung cư bị phong tỏa

TTO - Những người đàn ông chưa bao giờ biết đến chuyện chợ búa nhưng khi chung cư bị phong tỏa, người dân cần thực phẩm, họ tình nguyện đi chợ giúp hàng ngàn người trong chung cư. Bài dự thi 'Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19'.

Nguồn bài viết