Lực lượng Taliban tuần tra trên một con phố ở Herat, Afghanistan ngày 14-8 - Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh Taliban đang trên đường giành lại quyền lực ở Afghanistan, thông tin về những lãnh đạo của tổ chức này vẫn rất hiếm hoi.
Haibatullah Akhundzada, lãnh đạo tối cao
Haibatullah Akhundzada, lãnh đạo tối cao đương nhiệm của Taliban - Ảnh: khaama.com
Haibatullah Akhundzada được bổ nhiệm làm thủ lĩnh của Taliban trong một cuộc chuyển giao quyền lực nhanh chóng, sau khi người tiền nhiệm Mullah Mansour Akhtar chết trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái năm 2016.
Trước khi lên hàng ngũ thủ lĩnh, Akhundzada chỉ là một nhân vật cấp thấp. Nhiều người tin rằng ông được lựa chọn để làm một biểu tượng tinh thần hơn là một chỉ huy quân sự.
Theo AFP, Akhundzada nhận nhiệm vụ với thách thức to lớn là thống nhất lực lượng vũ trang bị chia năm xẻ bảy của tổ chức này, do các nhân vật chủ chốt tranh giành quyền lực sau vụ ám sát người tiền nhiệm.
Thông tin công khai về nhân vật này không nhiều, chủ yếu ông xuất hiện để đưa ra các thông điệp trong các ngày lễ Hồi giáo lớn hằng năm.
Mullah Baradar, nhà sáng lập
Mullah Baradar, nhà sáng lập lực lượng Taliban - Ảnh: TOLOnews
Abdul Ghani Baradar sinh trưởng ở Kandahar, cái nôi của phong trào Taliban. Giống như đa số những người Afghanistan khác, cuộc sống của Baradar bị thay đổi sau khi có cuộc chiến tranh Liên Xô - Afghanistan vào cuối những năm 1970 và ông gia nhập lực lượng nổi dậy.
Baradar được cho là đã chiến đấu sát cánh với giáo sĩ một mắt Mullah Omar. Hai người thành lập phong trào Taliban vào đầu những năm 1990, trong bối cảnh Afghanistan rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi Liên Xô rút quân.
Năm 2001, Taliban sụp đổ. Baradar được cho là thuộc một nhóm nhỏ quân nổi dậy tiếp cận thủ lĩnh lâm thời Hamid Karzai cùng với bản phác thảo thỏa thuận về các điều kiện để các chiến binh công nhận chính quyền mới.
Người này bị bắt ở Pakistan năm 2010 và bị giam cho đến khi được thả tự do nhờ áp lực của Mỹ năm 2018. Sau đó, có tin Baradar chuyển đến Qatar. Tại đây, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và giám sát việc ký kết thỏa thuận rút quân với Mỹ.
Sirajuddin Haqqani, chỉ huy mạng lưới Haqqani
Sirajuddin Haqqani, chỉ huy mạng lưới Haqqani - Ảnh: FBI Mỹ công bố
Sirajuddin Haqqani là con trai của vị chỉ huy nổi tiếng từ cuộc thánh chiến chống Liên Xô, Jalaluddin Haqqani.
Sirajuddin vừa là phó thủ lĩnh của phong trào Taliban vừa là lãnh đạo mạng lưới Haqqani. Mạng lưới Haqqani được Mỹ xác định là tổ chức khủng bố. Nhóm này từ lâu được coi là một trong những lực lượng nguy hiểm nhất chiến đấu chống lại lực lượng của Chính phủ Afghanistan và NATO do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan trong hai thập kỷ qua.
Nhóm Haqqani nổi tiếng với việc sử dụng những chiến binh đánh bom liều chết và được cho là đã thực hiện một số vụ tấn công nổi tiếng nhất ở thủ đô Kabul của Afghanistan trong những năm qua.
Mạng lưới này cũng bị cáo buộc ám sát các quan chức hàng đầu của Afghanistan và bắt giữ các công dân phương Tây để đòi tiền chuộc, trong đó có vụ binh sĩ Mỹ Bowe Bergdahl được trả tự do vào năm 2014.
Nhóm này nổi tiếng với sự độc lập, khả năng chiến đấu nhạy bén và các giao dịch kinh doanh khôn ngoan. Nhóm Haqqani được cho là kiểm soát các hoạt động ở vùng núi hiểm trở ở phía đông Afghanistan, và có quyền lực đáng kể trước hội đồng lãnh đạo của Taliban.
Mullah Yaqoob, con trai của thủ lĩnh
Mullah Yaqoob - Ảnh: indianarrative.com
Mullah Yaqoob là con trai của người sáng lập lực lượng Taliban Mullah Omar.
Nhân vật này đứng đầu ủy ban quân sự rất có quyền lực của Taliban, giám sát một mạng lưới lớn các chỉ huy chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động chiến lược của Taliban.
Dòng dõi của anh ta và sự gắn bó với cha mình - người được sùng bái với tư cách là thủ lĩnh của Taliban - khiến Mullah Yaqoob được xem là biểu tượng thống nhất của phong trào Taliban.