Những thay đổi với người tham gia BHXH, mức hưởng trợ cấp với người có công từ tháng 9/2021

3 năm trước 270

Một số thay đổi đối với người tham gia BHXH bắt buộc

Theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TBXH sửa đổi một số quy định của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật BHXH, từ 1/9/2021, sẽ có nhiều thay đổi lớn đối với người tham gia BHXH bắt buộc.

Chú thích ảnhNgười dân tra cứu thông tin quyền lợi BHYT qua ứng dụng VssID.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 1 Thông tư 6/2021 nêu rõ, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, đồng thời là người giao kết HĐLĐ quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH. Như vậy, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà đồng thời là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng.

Cùng với đó, theo quy định tại Điểm b, Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp thời gian nghỉ ốm đau có ngày lẻ không trọn tháng, thì mức hưởng cho những ngày này được tính như sau: Mức hưởng ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày bằng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (24 ngày) nhân với tỷ lệ hưởng (%) nhân với số ngày nghỉ. Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH vẫn tiếp tục kế thừa quy định này, đồng thời bổ sung quy định về mức hưởng tối đa khi tính theo công thức này.

Ngoài ra, theo Thông tư mới này, mức hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động) hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi trong thời gian từ 14 ngày làm việc trở lên sẽ được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc, thì mức hưởng được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Cũng theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau cũng có thay đổi. Theo đó, căn cứ Khoản 3, Điều 1 của Thông tư này, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc khi bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động), nghỉ việc chăm con dưới 7 tuổi ốm từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương), thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên cơ sở mức lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thậm chí, nếu các tháng liền kề tiếp theo, NLĐ vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc, thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 có hiệu lực từ ngày 15/9, trong đó quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, Nghị định bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp được nêu tại Điều 23 Pháp lệnh số 02 năm 2020 mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

Cụ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-10% bằng 4,0 lần mức chuẩn; tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-15% bằng 6,0 lần mức chuẩn; tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 16-20% bằng 8,0 lần mức chuẩn.

Cũng theo Điều 3 Nghị định này, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng như sau: Đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày là 974.000 đồng.

Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: BHYT; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học...

Nguồn bài viết