Những người trẻ tự dưng khóc, cười kỳ lạ - Kỳ cuối: Khoảng trống tham vấn tâm lý học đường

2 năm trước 195
 Khoảng trống tham vấn tâm lý học đường - Ảnh 1.

Các bạn học sinh cùng sinh hoạt câu lạc bộ tâm lý tại Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội - Ảnh: H.QUÂN

Nhiều phòng tham vấn chỉ được xem như là phòng nghỉ cho học sinh khi gặp vấn đề về sức khỏe, hay trường hợp học sinh phạm lỗi được đưa vào phòng để thầy cô "thanh tra".

Tổn thương tâm thần, vết sẹo thể xác

Sau hai năm dịch bệnh, có thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ tự tử trong thanh thiếu niên đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên, nhất là lứa tuổi học sinh phải đối mặt với các vấn đề tâm lý căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm.

Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn đến các địa phương đề nghị tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh trung học phổ thông. Thế nhưng dù đã có phòng tham vấn tại trường học, thực tế lại có rất ít học sinh "gõ cửa", thậm chí không biết đến địa chỉ này.

Tiến hành khảo sát công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý học đường, 30/50 học sinh ở Hà Nội tham gia khảo sát cho biết các bạn không biết đến địa chỉ phòng tham vấn tâm lý học đường ở ngôi trường đang theo học. 

Số còn lại dù biết đến địa chỉ này nhưng nếu gặp vấn đề về tâm lý hoặc bức xúc cần giải tỏa thì đây không phải là nơi "gõ cửa" đầu tiên.

Thay vào đó, trẻ chọn đọc sách, vẽ, nghe nhạc, chơi trò chơi giải trí, vùi mình trong đống chăn để khóc rấm rứt một mình hoặc "trốn" đi chơi ở một nơi xa, tìm bạn bè trò chuyện ở trên mạng. Cá biệt có trường hợp học sinh tìm đến chất có cồn hoặc trút giận vào bao cát, thậm chí chửi bậy ở nơi vắng vẻ để trút bỏ căng thẳng.

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý của học sinh xuất phát từ căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, áp lực đến từ trường học, thầy cô, bạn bè, gia đình và xã hội.

Mới đây, viện tiếp nhận ca bệnh là nữ sinh chuyển từ miền Nam ra miền Bắc để học nhưng chưa có sự hòa nhập với bạn bè trong lớp. Nữ sinh thường xuyên căng thẳng, có những biểu hiện tự hủy hoại bản thân, có thời điểm đang giữa lớp đã dùng dao rọc giấy rạch vào tay. 

Tình trạng của em kéo dài, vết rạch xuất hiện nhiều ở tay, đùi và một số bộ phận khác trên cơ thể đã để lại những vết sẹo. "Con không muốn chết, rạch chỉ để bớt căng thẳng thôi", nữ sinh này chia sẻ với bác sĩ.

 Khoảng trống tham vấn tâm lý học đường - Ảnh 2.

Những đường dây nóng, những phòng tham vấn tâm lý kịp thời, hiệu quả sẽ giúp được bất ổn tâm lý cho các bạn trẻ

Phòng tham vấn vì sao bị "tê liệt"?

"Nếu có phòng tham vấn tâm lý, hãy nói cho em biết để em đỡ phải nói một mình. Học 4 năm em mới biết là trường có phòng tham vấn tâm lý", N.Q.H. (14 tuổi) nêu ý kiến trong quá trình tham gia khảo sát. Hầu hết học sinh đều bày tỏ mong muốn được phổ biến rộng rãi phòng tham vấn tâm lý học đường nhằm kịp thời giúp đỡ các bạn trẻ gặp vấn đề về tâm lý.

Đánh giá tính hiệu quả mô hình tham vấn tâm lý học đường đang được triển khai hiện nay tại các trường học, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên - thẳng thắn nhìn nhận mô hình nói trên vẫn chỉ là những lời "hô hào" mà không hiệu quả thực tế.

Theo ông Nam, từ năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường học. Các trường đều có phòng tham vấn tâm lý cho học sinh nhưng thực tế hoạt động không hiệu quả hoặc "gần như không có hoạt động".

"Nhiều phòng tham vấn chỉ được xem là phòng nghỉ khi gặp vấn đề về sức khỏe. Hay khi trẻ có vấn đề gì đó thì sử dụng phòng này để nói chuyện, giống như một phòng để "thanh tra", gặp thầy cô để nói chuyện về các lỗi vi phạm. 

Thậm chí nhiều trẻ vẫn còn có tâm lý vào phòng tham vấn sẽ bị bạn bè cho rằng có vấn đề về tâm thần. Chính vì vậy hoạt động tham vấn ở trường học dường như là "tê liệt". 

Chỉ một số trường nhận được sự hỗ trợ của các dự án, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, có sự tham gia của một số nhà tham vấn học đường được đào tạo có năng lực mời về để làm việc bán thời gian thì có thể hoạt động được" - ông Nam nói.

Chỉ rõ những tồn tại trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ hiện nay, đặc biệt sau thời gian dài trẻ nghỉ học do dịch COVID-19, ông Nam dẫn nghiên cứu cho thấy có đến 80% trẻ gặp vấn đề về tâm lý sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài. 

Thế nhưng thay vì rà soát, xây dựng quy trình tham vấn tâm lý cho trẻ thì hầu hết nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy học, lấp đầy lỗ hổng kiến thức của trẻ.

"Thậm chí nhiều trường hợp hiện nay khi con cái nói về sự lo lắng, trầm cảm và cần sự chia sẻ của cha mẹ, thầy cô thì vẫn có người đổ lỗi là do trẻ lười biếng, trẻ hư. Điều này càng khiến các trẻ tổn thương nhiều hơn", ông Nam nhận định.

Ông đề xuất muốn nâng cao về chăm sóc sức khỏe tâm thần, cần thay đổi được nhận thức của cộng đồng và đòi hỏi những chuyên gia, bác sĩ tư vấn tâm lý có trình độ, cần có nguồn lực để nâng cao chăm sóc sức khỏe tâm thần. 

Cùng với đó, nhà trường phải tập huấn, nâng cao năng lực nhận thức của giáo viên, phụ huynh và có chi phí để vận hành phòng tham vấn tâm lý học đường, việc vận hành phải do người có chuyên môn phụ trách thường xuyên.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình để tham vấn cho trẻ, phát hiện và sàng lọc những đối tượng gặp vấn đề sức khỏe tâm thần sớm, xây dựng những nhóm phòng chống bắt nạt học đường hoạt động. 

Ông khẳng định chỉ khi thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có chi phí để duy trì thì việc nâng cao sức khỏe tâm thần học đường mới không chỉ nằm ở những lời "hô hào".

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần - cũng nêu đề xuất cần có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường để phát hiện sớm những vấn đề của trẻ, đừng để vấn đề của trẻ đi quá xa, quá muộn. 

"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, tôi cũng mong học sinh về đến nhà cũng là "nhà vui" chứ không phải là áp lực, căng thẳng. Làm thế nào để tạo ra môi trường giúp con cái vui vẻ, dễ dàng chia sẻ, tâm sự với bố mẹ", bác sĩ Huyền đưa ra lời khuyên.

Mô hình tâm lý "3 tầng"

Mô hình tâm lý học đường ở hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) là một trong những điểm sáng trong công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh.

Chị Bùi Bích Liên, nhà tâm lý trường học, cho biết dựa trên mô hình của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, nhà trường đã triển khai công tác tâm lý học đường theo 3 tầng gồm: tầng 1 phòng ngừa cơ bản cho tất cả học sinh (80% học sinh có thể giải quyết các khó khăn của mình); tầng 2 can thiệp, hỗ trợ trực tiếp cho học sinh có nguy cơ gặp khó khăn tâm lý (15% học sinh) và tầng 3 là hỗ trợ trường hợp có nguy cơ ở mức độ cao hơn, đang gặp khó khăn và có thể có biểu hiện về một rối loạn nào đó (5% học sinh).

"Bên cạnh nâng cao các kiến thức về tâm lý - giáo dục cho học sinh, chúng tôi còn nâng cao các kiến thức về tâm lý - giáo dục cho giáo viên và phụ huynh thông qua các hội thảo, tọa đàm và buổi chia sẻ theo quy mô lớp học. Trong đó cánh tay đắc lực để hiện thực hóa công tác tâm lý trong trường học chính là giáo viên chủ nhiệm", chị Liên chia sẻ.

Ngoài ra, trường còn tiến hành đo chỉ số hạnh phúc và tiến bộ cho học sinh. Qua mỗi kỳ học hoặc năm học, các bạn học sinh sẽ tự đánh giá về cảm nhận hạnh phúc và sự tiến bộ, thay đổi của bản thân.

Mở hộp thư ẩn danh quanh trường

50 học sinh tham gia khảo sát đã đưa ra một số sáng kiến, trong đó đáng chú ý là sáng kiến hỗ trợ tâm lý chỉ gói gọn giữa học sinh - nhân viên phòng tâm lý mà "không qua bên thứ 3" để dễ dàng chia sẻ, tránh rào cản giữa các thế hệ.

Một số bạn góp ý mở các "hộp thư ẩn danh" quanh trường để học sinh dễ tiếp cận và chia sẻ, mở talk show hoặc giờ học ngoại khóa về sức khỏe tâm thần cho học sinh.

 Hãy gọi lại cho chúng mình vào ngày maiNhững người trẻ tự dưng khóc, cười kỳ lạ - Kỳ 4: Hãy gọi lại cho chúng mình vào ngày mai

TTO - Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, tình nguyện viên trực đường dây nóng "bắt" người đầu dây bên kia hứa sẽ liên lạc lại vào ngày hôm sau.

Nguồn bài viết