Chị Huyền Trang đang mong chờ đứa con thứ hai chào đời vào khoảng cuối tháng 8
Nhiều bà bầu lo lắng, thiệt thòi vì mang thai thời giãn cách, phải ngưng khám thai để giữ an toàn cho mẹ và bé. Nhưng bằng tình yêu thương của mẹ và cha, những khó khăn sẽ sớm qua đi để nhường chỗ cho niềm vui vỡ òa khi bé chào đời.
"Tôi chọn lọc thông tin, nhờ đó tôi khá lạc quan, không bị stress, và trộm vía bé vẫn đạp nhiều nên cũng yên tâm về sức khỏe của bé.
Chị Huyền Trang
Lo âu khi tạm ngưng khám thai, chờ ngày khai hoa
Huyền Trang (33 tuổi, ở quận 2, TP.HCM) có bầu 37 tuần và dự sinh ngày 31-8. Đây là em bé thứ hai của vợ chồng cô.
Mấy tháng qua, khi TP.HCM ở trong tình trạng giãn cách siết chặt, cô phải hoãn lại việc khám thai từ tuần 28 và tập trung theo dõi thai máy để yên tâm về tình trạng sức khỏe của bé. Đây là phương pháp được bác sĩ hướng dẫn và các mẹ bầu tự tìm hiểu trên mạng hoặc thông qua những khóa học về quá trình mang thai.
Đang mang em bé đầu lòng ở tuần thứ 35, dự sinh ngày 16-9, Lệ Trinh (26 tuổi, ở Nhà Bè, TP.HCM) cảm thấy việc không được khám 2 tuần/lần cuối thai kỳ là khá thiệt thòi. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ chịu khó ăn uống, nghỉ ngơi và giữ tinh thần vui vẻ.
Mang thai chưa bao giờ là dễ dàng và mang thai thời dịch còn đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ hơn. Cũng như Huyền Trang, Lệ Trinh tạm ngưng khám thai từ ngày 1-7 và tự theo dõi thai máy ở nhà.
"Khi mới ngưng khám thai, tôi lo không theo dõi được sự phát triển của bé. Nhưng đứng trước rủi ro lây nhiễm, tôi chọn theo dõi thai máy, hạn chế đi đến các nơi đông người, hạn chế tất cả nguồn lây" - Huyền Trang chia sẻ.
Trên tất cả là niềm vui chờ con ra đời
Sức khỏe tinh thần của người mẹ là điều rất cần nâng niu và bảo vệ. Lệ Trinh cho biết sau hơn hai tháng giãn cách, mẹ bầu vừa không được ra ngoài vừa không được ăn uống theo sở thích nên dễ cảm thấy bức bối. Cộng với nỗi lo khi không được khám thai, các mẹ dễ rơi vào stress.
Giữa lúc đó, người chồng chính là người đồng hành, vực dậy tinh thần cho vợ. Gia đình nhỏ của Lệ Trinh lúc nào cũng vui vẻ, tràn ngập tiếng cười. Hành trình mang thai và sinh em bé là hành trình chung của cả gia đình, vì thế sự đồng hành của người cha cũng rất quan trọng.
Lệ Trinh nói: "Người chồng có vai trò rất quan trọng trong quá trình mang thai của vợ. Từ lúc biết tin có thành viên mới, chồng tôi luôn lo lắng, yêu thương và chăm sóc vợ. Anh ấy dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, phụ vợ nấu ăn.
Lúc giãn cách ở nhà, anh ấy lúc nào cũng pha trò để vợ bớt căng thẳng, mệt mỏi. Chồng tôi tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng cho vợ, chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cho mẹ và bé khi đi sinh và giai đoạn ở cữ. Mỗi ngày, anh ấy đều nói chuyện với con và xoa bóp tay chân cho vợ".
Bản thân Lệ Trinh cũng thích bếp núc nên cô đã dành những ngày giãn cách để vào bếp làm bánh cho gia đình. Hằng ngày, cô tìm những công thức nấu món ăn mới, làm bánh, trồng rau, dọn dẹp, sắp xếp, trang trí lại nhà cửa cùng chồng...
Còn với Huyền Trang, kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe tinh thần khi mang bầu thời dịch chính là tự miễn nhiễm với thông tin tiêu cực. Cũng nhờ giãn cách, người chồng có nhiều thời gian ở nhà chăm sóc vợ bầu.
Huyền Trang sống cùng chồng và cha mẹ chồng nên khi mang bầu, cô được cả gia đình quan tâm, chăm sóc. Chồng cô nhắc vợ uống thuốc và vitamin đầy đủ, xoa bóp khi cô bị đau nhức, giúp cô cảm thấy không đơn độc và vững tâm hơn khi sắp lâm bồn. Cha mẹ chồng chăm sóc về chế độ ăn uống, không để cô phải làm việc nhà.
Với những gia đình mà ông bà hai bên không thể đến thăm dịp này, lời khuyên là hãy giữ liên lạc qua những cuộc gọi, những lời động viên và chỉ dẫn về sinh nở để sợi dây tình cảm được bền chặt.
"Mong các mẹ bầu hãy lạc quan lên để chào đón thiên thần của mình nhé" - Lệ Trinh nhắn nhủ các mẹ bầu thời dịch.