Những người lính trong tâm dịch - Bài cuối: Những con người thầm lặng

3 năm trước 276
Chú thích ảnhChiến sĩ Quân đoàn 3 chuẩn bị rau củ tăng gia của các đơn vị gửi vào hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Trước tình hình đó, hàng ngàn bác sỹ, y sỹ từ Hà Nội và các địa phương khác vào TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ công việc điều trị trường hợp F0, kiểm dịch tách người nhiễm bệnh ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, nhiều đơn vị quân đội cũng được tăng cường giúp Thành phố thực hiện các biện pháp chống dịch, giúp đỡ người dân tiếp cận lương thực, thực phẩm, thuốc men và những nhu cầu thiết yếu khác.

Người dân là người thân 

Tính đến nay, trên các địa bàn phía Nam, quân đội đã thành lập thêm 510 tổ quân y, trạm y tế lưu động, tăng cường cho TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 1.000 bác sĩ, y tá, điều dưỡng, học viên quân y tăng cường vào Thành phố hỗ trợ đợt thắt chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Tại Trạm Y tế lưu động số 2 Phường 6, quận Tân Bình có 3 sinh viên Học viện Quân y được tăng cường, trong đó Thượng sỹ Nguyễn Văn Tú, học viên năm cuối Học viện Quân y làm Tổ trưởng. Ngay sau khi tới địa bàn, đặt ba lô, ổn định chỗ ở là các chiến sỹ quân y tất bật cùng trạm y tế Phường 6 trong các công việc lấy mẫu test COVID-19 cộng đồng, khám điều trị tư vấn trường hợp F0 tại gia đình, tư vấn qua điện thoại; trực tiếp thăm, khám bệnh nhân và vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên.

Thượng sỹ Nguyễn Văn Tú cho biết, được chính quyền, trạm y tế tạo điều kiện phối hợp cùng làm, mọi khó khăn vướng mắc đều từng bước giải quyết. Đây là lần đầu tiên tham gia chống dịch, nhưng các học viên được tổ chức tập huấn cách phòng, chống dịch, đã được chuẩn bị sẵn về tâm lý, chuyên môn, tinh thần nên không lo lắng gì. Anh em xác định khi dịch ở Thành phố ổn định mới trở về.

Cùng tăng cường tại Trạm y tế lưu động số 2, Học viên quân y năm cuối Đỗ Thu Nga (quê Đắk Lắk) cho biết, trước khi vào Thành phố, cô đã chủ động liên lạc với các anh chị đi trước để tìm hiểu về công việc, điều kiện sinh hoạt để chuẩn bị đồ đạc, vật dụng cá nhân, đồ dùng sử dụng cho công việc nên không thấy bỡ ngỡ và bắt tay ngay vào việc sau khi được tăng cường đến địa bàn.

Thừa nhận sự quan ngại về nguy cơ phơi nhiễm COVID -19 trong quá trình làm việc, nhưng Học viên Đỗ Thu Nga cho biết, do đã được tập huấn, hướng dẫn cẩn thận và xác định đây là nghề nghiệp của mình nên điều đó không ảnh hưởng gì đến tâm lý các y, bác sỹ tăng cường. Bên cạnh đó,  khi về đến địa bàn, các chị ở phường, hội phụ nữ cũng thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất để anh em tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong những ngày qua, dù tiếp xúc tại nhà, nơi lấy mẫu tập trung hay tại trạm y tế, người dân trong phường 6 đa phần là đồng bào Công giáo khi biết được quân y hỗ trợ, đều quý mến, tôn trọng và hợp tác trong quá trình làm việc.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tri, Trưởng trạm Y tế phường 6 cho biết: “Lực lượng tăng cường từ Học viện Quân y đã san sẻ công việc được hơn 50% với Trạm. Mỗi ngày chúng tôi nhận rất nhiều trường hợp cần khám, điều trị, cấp phát thuốc, tư vấn, cấp cứu. Trước đây, Trạm chỉ có 6 người nên không thể làm hết việc. Hiện giờ, anh em ở đây đã bắt đầu phối hợp nhịp nhàng, trơn tru. Các bạn quân y rất nhiệt tình và chuyên nghiệp, không nề hà sớm khuya, xa gần, mỗi khi có việc là nhận lệnh đi liền”.

Chú thích ảnh Các chiến sĩ thăm khám và điều trị cho F0 trên địa bàn Phường 6. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ, học viên quân y nhận nhiệm vụ tăng cường tại 312 xã, phường ở TP Hồ Chí Minh, thực hiện cùng ăn, cùng ở với nhân dân để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Nhiệm vụ trọng tâm là lấy mẫu xét nghiệm; tiêm vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Tại Lễ xuất quân lực lượng quân y lên đường tới các xã phường trên địa bàn Thành phố, Thiếu tướng Nghiêm Đức Thuận, Phó Chính ủy Học viện Quân y nhấn mạnh: “Đây là thời điểm mà hơn lúc nào hết, người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam rất cần đến chúng ta. Vì vậy, hãy nhanh chóng, chủ động đến với đồng bào bằng tinh thần xung kích của người lính, bằng trí tuệ, năng lực của người thầy thuốc quân y, mang theo lời dạy của Bác Hồ - lương y như từ mẫu”.

Cùng với lực lượng quân y tăng cường, trước đó đã có khoảng 2.300 y bác sĩ vào hỗ trợ phòng, chống dịch đang làm việc tại 7 bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bộ Quốc phòng cũng chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông để điều trị bệnh nhân COVID-19; thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng thuộc Bệnh viện 175. Các bệnh viện thuộc lực lượng quân đội nói trên đã tiếp nhận, điều trị thành công hàng nghìn bệnh nhân nhiễm COVID-19, giảm tải cho hệ thống y tế Thành phố vốn đang phải căng mình trong cuộc chiến với đại dịch COVID -19.

Tô thắm tình quân dân

Phường 6, quận Tân Bình có 75 tổ dân phố của 8 khu phố, hộ dân cần chăm lo trên 4.000 hộ, đến 27/8 khoảng 125 F0 đang điều trị tại nhà và các trường hợp đã điều trị ở tuyến trên đủ điều kiện trở về nhà theo dõi. Địa bàn Phường 6, quận Tân Bình được tăng cường 15 cán bộ, chiến sỹ thuộc Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) và 6 đồng chí từ Học viện quân y. Ngoài hỗ trợ y tế, lực lượng này được phân công về địa phương tham gia trực chốt, tuần tra, hỗ trợ chính quyền tặng các gói quà an sinh xã hội, lương thực, thực phẩm cứu trợ cho nhân dân.

Chú thích ảnhTổ công tác Học viện Quân y phối hợp cùng địa phương lấy mẫu tầm soát COVID-19 tại phường 9, Quận 8, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ông Lâm Mạnh Cường, Chủ tịch UBND Phường 6, Tân Bình cho biết, từ khi nhận nhiệm vụ, anh em đặt ba lô xuống là trực tiếp tham gia làm việc, đi tới nhà bệnh nhân F0 thăm khám, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân. Qua đánh giá, lực lượng này hiện nay hoạt động rất hiệu quả, được nhân dân ủng hộ, tạo sự phấn khởi cho người bệnh khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc trong quá trình điều trị giúp mau lành bệnh.

Sau khi được tăng cường, Phường 6 cũng thành lập các trạm lưu động, ngoài lực lượng quân y, phường bố trí thêm nhân sự đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công an, quân sự tham gia hỗ trợ vì anh em không rành địa bàn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng quân đội tăng cường, Phường quan tâm cung cấp đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ y tế cho anh em; bố trí nơi nghỉ riêng cho các cán bộ quân y và hàng ngày bố trí cung cấp đảm bảo khẩu phần ăn cho lực lượng quân đội tăng cường.

Cùng với đó, các cán bộ, chiến sỹ cũng được phân công tham gia trực chốt, hỗ trợ chăm lo an sinh xã hội, tham gia cùng đội phản ứng nhanh cung cấp lương thực thực phẩm nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình thuộc diện cần hỗ trợ cùng các hoạt động khác của phường. Dù nắng, dù mưa, lực lượng chiến sỹ quân đội đều làm tốt nhiệm vụ, hỗ trợ tốt cho đội phản ứng nhanh vốn rất mỏng, kịp thời cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ của địa phương.

Cầm trên tay túi hỗ trợ của địa phương do các chiến sỹ quân đội mang tới, chị Nguyễn Thị Liên (35 tuổi, quê Quảng Bình), thuê nhà ở đường Đất Thánh, Phường 6 chia sẻ: “Tôi có chồng là người khuyết tật cùng một con nhỏ 3 tuổi, cuộc sống rất khó khăn. Bản thân làm công việc giúp việc nhà nên thu nhập cũng không cao. Do nghỉ làm chống dịch, nên không còn có nguồn thu. Ra nhận đồ hỗ trợ mà thấy các chiến sĩ quân đội đến trao, tự dưng trong lòng thấy rất xúc động, cảm thấy an lòng và thêm tin rằng chính quyền sẽ không bao giờ bỏ rơi người dân trong lúc khó khăn”.

Đánh giá về công tác tham gia phòng, chống dịch của lực lượng quân đội tăng cường tại các địa phương phía Nam, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nhấn mạnh, trong những ngày qua, lực lượng quân đội và dân quân tự vệ phát huy vai trò tuyến đầu chống dịch, không quản ngại khó khăn gian khổ, luôn sát cánh cùng các lực lượng kiểm soát, kiềm chế, ngăn chặn dịch, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Những cán bộ, chiến sỹ đã thực hiện nhiệm vụ suốt thời gian qua, cũng như các lực lượng được tăng cường trên mặt trận phòng, chống dịch, đã phát huy tinh thần của “anh Bộ đội Cụ Hồ”. Họ ngày đêm rong ruổi trên các tuyến đường, ngõ hẻm, vượt qua nắng mưa của thời tiết phương Nam cùng các lực lượng khác mang đồ ăn, thức uống đến cho người dân; lao mình vào nơi nguy hiểm đểm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân COVID-19. Và khi những người dân chẳng may mất vì dịch bệnh, cũng được quân đội thay gia đình chăm lo hậu sự chu toàn, với tất cả tấm lòng nhân hậu, xem người mất như người thân của mình.

Với tất cả những gì đã và đang làm được, lực lượng quân đội tăng cường tại TP Hồ Chí Minh đang tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ qua những nghĩa cử “thắm tình quân dân cá- nước.

Nguồn bài viết