Học sinh Mỹ đến Việt Nam chung sức xây nhà cho người dân - Ảnh: TRẦN MAI
Đã 16 năm từ khi tổ chức Putney Students Travel (Mỹ) đưa những chàng trai cô gái Mỹ đầu tiên đến Quảng Ngãi xây nhà, dạy tiếng Anh miễn phí.
Đến nay chương trình vẫn tiếp tục và những ân tình cứ thế dài thêm. Công việc xây nhà "phong cách" Việt Nam các học sinh Mỹ lần đầu tiên tiếp cận. Nhưng sự nồng hậu của những người bạn Việt, gia đình và chính quyền địa phương đã giúp các bạn nhanh chóng tiếp cận công việc.
Mồ hôi túa ra ướt cả áo quần, nhưng ai nấy đều hăng say với công việc. 35 học sinh Mỹ đều chung mong muốn tiếp nối câu chuyện Việt Nam - Mỹ các anh chị mình đã thực hiện 16 năm qua.
Đến Việt Nam vì yêu thương và chia sẻ
Scarola Caia, 15 tuổi, lần đầu tiên đến Việt Nam. Cô gái trẻ đang học phổ thông tại Mỹ bảo rằng rất háo hức với chuyến đi này. Cô gái bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam từ năm ngoái, những kiến thức nền cho cô biết Việt Nam bình yên, con người thân thiện và là đất nước rất an toàn.
Càng tìm hiểu, Caia biết Việt Nam từng trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc rất dài để bảo vệ nền độc lập. Dù còn khó khăn nhưng Việt Nam đang xây dựng đất nước phát triển ấn tượng trong những năm qua. Cô càng bất ngờ hơn khi nước Mỹ từng đưa quân sang Việt Nam.
Thời điểm ấy, rất nhiều người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình đã xuống đường biểu tình, yêu cầu giới cầm quyền Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Caia cảm thấy tiếc nuối khi quan hệ của hai nước có "gợn đen" quá khứ.
Caia cười tươi, lấy tay quệt những giọt mồ hôi chảy dài và tiếp câu chuyện rằng quá khứ đã xếp lại, hai nước cũng bình thường hóa quan hệ và tôn trọng nhau. Cô và các bạn đến Việt Nam lần này mang theo yêu thương và sẻ chia.
Caia tự đọc nơi mình vừa đặt chân đến bằng giọng lơ lớ "xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi" mà cô vừa học được từ trẻ em Việt Nam và nói "Người Việt Nam thật sự rất thân thiện, cách tiếp đón cũng khác với Mỹ. Mọi người chào đón như thân quen từ lâu và mời nhiều món ngon. Thật sự con người Việt Nam còn thân thiện hơn cả những gì tôi tìm hiểu".
Năm nay, tổ chức Putney Students Travel (Mỹ) đưa đến Việt Nam 35 học sinh, cùng số tiền hơn 370 triệu đồng tài trợ xây dựng sáu căn nhà cho sáu hộ dân khó khăn ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Tại xã Tịnh Kỳ, 18 học sinh người Mỹ chia làm ba nhóm cùng những bạn trẻ Việt Nam và thợ xây lành nghề xây dựng ba ngôi nhà. Sau 16 năm với những gì đã để lại cho mảnh đất Quảng Ngãi, chương trình còn hơn cả sự giao lưu giữa thanh niên hai nước.
Nell Rohde, 14 tuổi, là thành viên nhỏ nhất đoàn, cô gái trẻ thích thú với việc chuyển đất vào nền nhà và đưa gạch xây tường. Cô bảo chưa kịp "bổ túc" kiến thức về Việt Nam trước chuyến đi và chỉ nghĩ đơn giản đây là dịp để giao lưu văn hóa, giúp đỡ người khó khăn và dạy tiếng Anh miễn phí như một khóa học dịp hè của mình. Sau mấy ngày trực tiếp xây nhà cô đã có cái nhìn khác.
"Nhìn ngôi nhà mới được xây, tôi có cảm giác rất hạnh phúc. Đây là một chuyến đi tuyệt vời trong đời tôi có được. Tôi còn trẻ, tôi muốn nhiều lần nữa đến Việt Nam trong tương lai", Nell nói.
Qua bàn tay của những người thợ Việt Nam và sự giúp sức của học sinh, sinh viên Mỹ, bức tường dần hình thành. Những nụ cười dành cho nhau đã xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ và văn hóa cách nhau nửa vòng Trái đất. Với Charles Caiafa (17 tuổi), đây là lần trở về Việt Nam. Charles có mẹ là người gốc Huế, chuyến đi này có cả gửi gắm của mẹ dành cho quê cha cố xứ.
Trước chuyến đi, mẹ Charles có nói với Charles hãy làm những việc tử tế ở quê mẹ. Charles không hiểu từ "tử tế" cho đến khi nhận được sự đón tiếp, hướng dẫn công việc và được chia sẻ về ý nghĩa của ngôi nhà mình góp công xây dựng, Charles đã hiểu từ "tử tế".
"Mẹ tôi nói quê hương còn nhiều người khó khăn, khi trở về Việt Nam hãy cố gắng làm những việc tử tế nhất. Tôi cảm thấy chuyến đi này đã phần nào hoàn thành nguyện vọng của mẹ. Tôi sẽ chụp hình và khi trở về Mỹ sẽ kể cho mẹ những việc mình làm và cả tình cảm mọi người ở quê mẹ dành cho tôi nữa", Charles nói.
Học sinh Mỹ đến Việt Nam chung sức xây nhà cho người dân - Ảnh: TRẦN MAI
Mong chờ nhà mới
Sáu ngôi nhà đang xây dựng là sáu cuộc đời cơ cực. Bệnh tật, đơn độc vây lấy họ. Nghèo. Ngôi nhà vững chãi chỉ trong mơ. Anh Nguyễn Thành Trung, bí thư Đoàn xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), bảo rằng khi được giao nhiệm vụ chọn hộ dân xây nhà, anh đứng trước thách thức lớn. Gia đình thật sự khó khăn lại thiếu "vốn đối ứng" nên từ chối.
Như bà Lâm Thị Tịnh (59 tuổi) bị tàn tật, thần kinh không ổn định. Vậy mà bà là chỗ dựa của người em gái mất khả năng lao động. Nghe chuyện được hỗ trợ gần 60 triệu đồng xây nhà mới bà mừng lắm. Nhưng rồi bà "xin trả" vì không có số tiền vài chục triệu đồng góp vào cùng xây nhà. Thế là người làng có cuộc sống tốt hơn đã góp lại giúp bà xây căn nhà mơ ước.
Cả đời bà Tịnh chưa rời khỏi tỉnh Quảng Ngãi, mới đầu nhìn thấy học sinh Mỹ bà cũng lo vì lạ quá. Khi mấy đứa cháu trong xóm được hướng dẫn học tiếng Anh, rồi bọn trẻ dạy lại tiếng Việt, người Mỹ, người Việt gì cũng có nụ cười tươi như nhau, bà Tịnh cũng cười rồi dần dà đến nhờ phiên dịch viên hỏi chuyện.
"Tôi chờ nhà mới được xây xong. Các cháu rất thân thiện và tốt bụng. Vậy là đợt bão tới tôi không còn sợ nhà sập nữa rồi", bà Tịnh nói.
Em Bùi Gia Bin (18 tuổi, học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết) khi nghe các bạn học sinh, sinh viên Mỹ đến xây nhà, dạy tiếng Anh ở Quảng Ngãi đã đăng ký tham gia tình nguyện hè. Bin có vốn tiếng Anh cực tốt, dễ dàng giao tiếp và trở thành cầu nối cho những cuộc trò chuyện và giúp các bạn Mỹ nhanh chóng "thuộc bài" mà những người thợ xây Việt hướng dẫn.
Bin chỉ tay về phía Jackson Wade (17 tuổi) đang cặm cụi lấy bay trộn vữa và xếp gạch xây tường, nói: "Jackson rất vui tính và chịu khó làm việc. Bạn ấy nói đây là công việc ý nghĩa và mong ngôi nhà sớm được hoàn thành. Có vẻ không chỉ chị em cô Tịnh mà cậu ấy cũng rất háo hức về ngôi nhà mới được xây dựng".
Cả xã Bình Châu và Tịnh Kỳ đều có "mặt tiền" là biển, mùa mưa luôn khắc nghiệt. Đợt bão năm 2020 đổ bộ, hàng nghìn ngôi nhà ở hai địa phương này bị cuốn bay mái, sập. Thời điểm đó, những chuyến xe chở đầy tôn của báo Tuổi Trẻ đã đến với bà con nơi này.
Ở xứ sở khắc nghiệt nhất nước, có ngôi nhà vững chãi luôn là mơ ước của bà con. Chị Cao Thị Hà (47 tuổi, xã Tịnh Kỳ) sống một mình trong căn nhà rệu rã. Cả đời chị bữa đói, bữa no. Căn nhà cũ trước đây được dựng lên bởi những tấm lòng, qua bao mùa mưa bão, căn nhà đã không còn gồng gánh nổi. Hàng xóm, chính quyền địa phương sau mỗi đận thiên tai lại giúp đỡ gia cố.
Tình cảm ấy chỉ giúp chị không lo mỗi lần mưa gió nhẹ, khi cuồng phong chị Hà phải đi tá túc nơi khác. Lần này nghe xây nhà chị không dám tin, cho đến khi các bạn thanh niên Việt - Mỹ đến dọn dỡ và xây dựng, người phụ nữ cô độc này mới nở nụ cười.
"Tôi đã chờ đợi căn nhà này quá lâu. Tôi không nghĩ nhà mình lại được xây dựng từ tấm lòng của các bạn trẻ ở nước Mỹ. Đó thật sự là ngoài suy nghĩ, tôi vui lắm, các cháu thật hiền lành và tốt bụng", chị Hà trải lòng.
Những con số ấn tượng
Lần đầu tiên các sinh viên Mỹ được tổ chức Putney Students Travel đưa đến Quảng Ngãi tình nguyện hè quốc tế vào năm 2006, đến nay đã có 52 căn nhà, trường học được xây mới; hơn 1.000 xe đạp được tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hơn 12.660 ngày công lao động mà học sinh, sinh viên Mỹ đã làm ở Quảng Ngãi.
Càng ấn tượng hơn khi khảo sát tất cả các căn nhà đều đang được sử dụng và chưa có dấu hiệu hư hỏng.
Anh Lê Vin, phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết: "Hơn cả một chương trình tình nguyện quốc tế, những đóng góp đầy tử tế và tình cảm của các bạn học sinh, sinh viên Mỹ thật sự để lại những dấu ấn khó phai. Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và bà con luôn dành những tình cảm quý mến để chào đón các bạn.
Chương trình này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Chúng tôi hy vọng sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa thanh niên hai nước và tiếp tục làm những việc ý nghĩa".