Những ngôi nhà nghĩa tình đồng đội

2 năm trước 249
Chú thích ảnhCựu chiến binh Trần Quốc Việt trao kinh phí xây nhà nghĩa tình đồng đội cho các gia đình.

Tìm gặp ông Tư Việt Liêm vào ngày cuối năm khi ông đang thống kê lại những căn nhà làm được trong năm qua, xem lại nhu cầu số lượng nhà các nơi để có kế hoạch vận động trong năm sau. Tuy đã vận động hỗ trợ rất nhiều nhà cho đồng đội nhưng đối với ông Tư vẫn còn chưa đủ, nhiều đồng chí, đồng đội vẫn còn gặp khó khăn. Do vậy, dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" (73 tuổi) đáng lẽ ra phải hưởng thụ vui cùng con cháu, nhưng ông Tư vẫn miệt mài tìm mọi cách góp sức cho Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ anh em.

Nhắc lại cái duyên đến với việc làm ý nghĩa này, ông Tư tâm sự, trong một lần đi thăm đồng đội, thấy nhà của người này còn xiêu vẹo ông liền hỏi "Giải phóng tính đến nay đã lâu quá rồi, sao ông không cất nhà lại để ở". Người bạn chiến đấu của ông Tư bộc bạch: "Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng làm gì có tiền mà xây nhà, anh Tư". Nghe vậy, ông Tư nghẹn lòng, tự nhủ bản thân phải làm gì để giúp đỡ những đồng chí, đồng đội của mình có một mái nhà kiên cố. Từ đó cái "duyên" xây nhà nghĩa tình đồng đội đã gắn bó với ông Tư cho đến tận bây giờ.

Nói là làm, sau đó ông Tư về cơ quan, bàn bạc cùng anh em đơn vị việc xây nhà nghĩa tình đồng đội để tặng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, thông qua vận động hỗ trợ của các nhà hảo tâm và đóng góp bằng tiền lương hoặc tiết kiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Sau khi tham khảo ý kiến của Ban Dân vận Tỉnh ủy và xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh xây dựng Kế hoạch số 452, năm 2010, phát động thi đua và giao chỉ tiêu cho các cấp Hội trong tỉnh, tổ chức xây tặng 500 nhà nghĩa tình đồng đội cho thân nhân liệt sỹ và thương binh khó khăn về nhà ở. Kế hoạch này được triển khai sâu rộng trong hội viên. Đến tháng 2/2012, kế hoạch xây 500 nhà nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh tỉnh hoàn thành trước thời hạn 6 tháng. Từ đó phong trào xây nhà "nghĩa tình đồng đội" là một trong hoạt động được triển khai xuyên suốt, gắn liền với hoạt động của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre.

Cựu chiến binh Trần Hữu Phước, xã Tam Phước, huyện Châu Thành chia sẻ, là thương binh ¼ (mất một chân) cho nên trước đây gia đình ông gặp nhiều khó khăn, bản thân kinh tế không khá giả, mơ ước có được căn nhà để "an cư" đối với ông như một giấc mơ. Khi được chú Tư Việt Liêm vận động hỗ trợ cho căn nhà , ông Phước rất mừng. Từ khi có nhà ông Phước an tâm lo phát triển kinh tế, giờ đây cuộc sống ổn định hơn.

Chú thích ảnhCựu chiến binh Trần Quốc Việt chăm sóc cây cảnh tại gia đình.

Ông Đoàn Ngọc Paul, Trưởng ban Tổ chức - Chính sách - Kinh tế thuộc Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre cho hay, anh Tư Việt Liêm có tài vận động xây nhà cho đồng đội hay lắm, làm mọi lúc, mọi nơi mà ít ai làm được. Khi nằm điều trị bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, vậy mà anh cũng kết nối được với lãnh đạo bệnh viện làm mấy căn nhà cho gia đình chính sách. Rồi trong một lần bàn giao nhà ở Châu Thành, đơn vị làm tiệc và mời ở lại dự. Có vị khách chưa hề quen biết anh Tư, vậy mà anh Tư cũng kết nối và vị khách đã ủng hộ mấy căn nhà.

Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, ông Tư Việt Liêm công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, mang quân hàm Đại tá vào năm 1997. Tháng 4/2006, sau khi về hưu ông được giới thiệu và tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre đến năm 2017. Trong suốt quá trình công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh, ông Tư cùng tập thể Đảng - Đoàn và Ban Thường vụ Hội đã thống nhất cho chủ trương và tiến hành triển khai đến cơ sở xây dựng thành công 5 sáng kiến, được Hội đồng khoa học tỉnh công nhận. Trong đó, có 3 sáng kiến đến nay đã trở thành phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh như: Mô hình "Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - nghĩa tình", góp phần xây dựng nông thôn mới; mô hình "5+1" góp phần giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế (được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đánh giá rất cao); phong trào vận động xây dựng nhà "nghĩa tình đồng đội" để thực hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" (được Tỉnh ủy đánh giá cao).

Chú thích ảnhCựu chiến binh Trần Quốc Việt dự lễ trao xe đạp cho học sinh nghèo.

Thời điểm năm 2010, qua thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Bến Tre còn hơn 8.000 gia đình thương binh, liệt sỹ và trên 2.500 gia đình hội viên cựu chiến binh tham gia giúp bạn Campuchia, Lào và biên giới phía Bắc gặp khó khăn về nhà ở. Tính từ tháng 8/2010 đến nay, trong tổng số 2.362 căn nhà "nghĩa tình đồng đội", với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng được các cấp hội trong tỉnh vận động xây dựng, thì riêng ông Tư trực tiếp vận động gần 467 căn, tổng trị giá hơn 18,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Tư còn vận động hơn 400 xe đạp tổng số tiền hơn 600 triệu đồng tặng các em học sinh nghèo khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre cho biết, hiểu rõ, đồng cảm trước những khó khăn của thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trong cuộc sống vì bản thân ông Tư Việt Liêm đã từng trải qua, nên anh Tư nghĩ ra sáng kiến xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội; các mô hình hỗ trợ giúp đỡ cựu chiến binh phát triển kinh tế thoát nghèo. Từ hiệu quả của các mô hình đã được nhân rộng đến các cấp Hội thực hiện. Bên cạnh đó, việc làm của anh Tư đã lan tỏa đến các cựu chiến binh khác trong hội, từ đó các cựu chiến binh trong các cấp hội tích cực tham gia vậy động xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội hỗ trợ giúp đỡ hội viên cùng nhau phát triển.

Với những đóng góp cho hoạt động hội, phong trào của địa phương, ông Tư Việt Liêm vinh dự nhận được Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Bằng khen Ban Tuyên giáo Trung ương, Bằng khen Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bằng khen Ban Dân vận Trung ương, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao qúy khác.

Cựu chiến binh Trần Quốc Việt tâm sự, bản thân may mắn có cuộc sống tạm đủ, nhưng nghĩ tới những anh em đồng đội, con em các gia đình chính sách, người có công chưa có nhà ở vững chắc, tôi luôn cảm thấy xót xa. Do đó, còn sức khỏe để còn giúp được mọi người là niềm vui rất lớn đối với ông Tư khi đã ở tuổi xế chiều. Cho đến giờ, ông Tư vẫn không quên được những giọt nước mắt tràn đầy hạnh phúc, ấm áp tình đồng đội trên gương mặt của những người đồng đội, người thân gia đình chính sách khi được vào nhà mới, khi mọi người có được nơi "an cư" để rồi "lạc nghiệp".

Nguồn bài viết