Những mảnh đời đổi thay nơi thị trấn trong sương

3 năm trước 214
Những mảnh đời đổi thay nơi thị trấn trong sương - Ảnh 1.

Cáp treo Fansipan - tuyến cáp đổi đời của nhiều số phận

Chuyện của Tông - chàng Mông bản xa cũng là câu chuyện rất dễ bắt gặp ở thị trấn mờ sương Sa Pa, đặc biệt từ khi có sự đầu tư của Tập đoàn Sun Group, với những sản phẩm du lịch đẳng cấp như khu du lịch Sun World Fansipan Legend, khách sạn 5 sao quốc tế Hotel de la Coupole - MGallery Sa Pa.

Tuyến cáp đổi đời

Có lẽ hiếm công trình nào có sức ảnh hưởng lớn tới diện mạo Sa Pa như cáp treo Fansipan. Tuyến cáp của những kỷ lục sau 5 năm ra đời đã đánh dấu sự chuyển mình không chỉ của ngành du lịch, mà còn tác động rất tích cực tới cuộc sống của người dân địa phương.

Trước năm 2016, Má A Tông phải chật vật với đủ thứ nghề để sống. Từ bốc vác thuê tại ga tàu, làm porter dẫn khách leo Fansipan, thậm chí đến cả việc vượt biên sang Trung Quốc làm thuê anh cũng đã thử. Thế nhưng, cái nghèo vẫn đeo bám Tông như một thứ "di sản gia truyền".

"Làm tối mắt mà con cái vẫn phải ăn ngô độn. Thóc vừa gặt chỉ ba tháng là cạn bồ", Tông nhớ lại.

Những mảnh đời đổi thay nơi thị trấn trong sương - Ảnh 2.

Căn nhà cũ lụp xụp của gia đình Má A Tông

Giống như Tông, Chảo Láo Sử, chàng trai người Dao 29 tuổi cũng lớn lên với ký ức tuổi thơ là những mái nhà không đủ ấm và những ngày nheo nhóc theo mẹ lên nương. Mặc dù được suất tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng vì cái nghèo mà Sử phải từ bỏ giấc mơ đại học để vừa đi làm nuôi gia đình, vừa học Trung cấp Y tế Lào Cai. Sau 2 năm, tấm bằng trung cấp vẫn không giúp anh có được công việc ổn định, Sử về bản làm nương rẫy, vay vốn chăn nuôi. 

Nhưng đến đầu năm 2016, cuộc sống của những gã trai bản địa như Sử và Tông đã rẽ theo hướng khác. Cáp treo Fansipan khánh thành đã không chỉ mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp không khói Sa Pa, mà còn giúp Sử, Tông và hàng trăm cư dân bản địa khác thực sự đổi đời.

Thời điểm đó, Chảo Láo Sử nộp đơn vào làm tạp vụ trong nhà hàng thuộc khu du lịch (KDL) Sun World Fansipan Legend. Ngày cầm tháng lương đầu 2 triệu đồng trên tay, Sử ngỡ ngàng. Cả đời anh chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến vậy. Dần dà, với năng khiếu và tinh thần ham học hỏi, Sử lên làm phụ bếp, rồi bếp chính. Mức lương của Sử nay đã cao hơn gấp nhiều lần, đủ để mang lại cuộc sống ấm êm cho gia đình nhỏ của anh.

Những mảnh đời đổi thay nơi thị trấn trong sương - Ảnh 3.

Ngôi nhà mới khang trang của A Tông được công ty hỗ trợ sang sửa năm 2017

Năm 2015, Tông trúng tuyển làm an ninh phục vụ thi công cáp treo Fansipan. Không có tuyến cáp, Tông chắc vẫn còng lưng dẫn tour đường rừng cho khách, lũ trẻ nhà anh chắc cũng đã bỏ học lâu rồi… 5 năm làm việc cho Sun World Fansipan Legend, gia đình anh giờ đã có đồng ra đồng vào, ngôi nhà dột nát đã được công ty hỗ trợ sửa sang thành một tổ ấm khang trang. Má A Tông giờ như một con người khác. Anh được đào tạo nghiệp vụ du lịch, mở mang kiến thức, thay đổi tác phong, nâng cao tính chuyên nghiệp…

Diện mạo mới cho Sa Pa

Mảnh đất lành Fansipan kể từ khi có tuyến cáp cũng đã đón hàng trăm chàng trai, cô gái trẻ từ khắp nơi tìm tới. Nhiều người trong số họ, như vợ chồng anh Trần Duy Phong và chị Nguyễn Thị Thúy, đã gắn bó và coi đây là quê hương thứ hai.

Đầu năm 2016, Phong rời Yên Bái lên Sa Pa làm nhân viên an ninh cho Sun World Fansipan Legend. Một năm sau, khi đã ổn định, anh rủ người yêu lên Fansipan cùng lập nghiệp. Thúy được nhận làm nhân viên vệ sinh của KDL. Không bao lâu, cả hai quyết định về chung một nhà.

"Mừng nhất là cuối năm 2018, khi em chuẩn bị sinh con thì công ty xây khu lưu trú hiện đại và chúng em được vào ở lâu dài. Em và Phong cứ ôm nhau mà khóc vì xúc động, không nghĩ sẽ có ngày được ở trong tổ ấm của riêng mình như vậy", Thúy kể lại.

Tổ ấm mà Thúy nhắc đến là 2 khối nhà mang tên Sun Home, được xây dựng cách KDL Sun World Fansipan Legend khoảng 500m đường bộ. Đây cũng là nơi ở dành cho các cán bộ, công nhân viên của công ty. Chiều chiều, những dãy hành lang và khoảng sân rộng trở thành sân chơi chung cho lũ trẻ. Tiếng nói cười, trêu đùa, tiếng tạch tè, bí bo của mấy món đồ chơi vang lên, xốn xang một vùng thung lũng mịt mù khói sương phía sau hai tòa nhà...

Những mảnh đời đổi thay nơi thị trấn trong sương - Ảnh 4.

Khu nhà ở Sun Home dành cho các cán bộ, công nhân viên của KDL Sun World Fansipan Legend

Nhìn trên diện rộng hơn, cáp treo Fansipan cũng là công trình góp phần thay đổi diện mạo Sa Pa - thị trấn từng lặng lẽ suốt nhiều thập kỷ.

Sun World Fansipan Legend đã tạo ra cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp; thu hút một lượng khách khổng lồ đến với Sa Pa. Riêng năm 2016 - năm đầu tiên có cáp treo, lượng khách tới Sa Pa đã vượt qua con số 1 triệu và tiếp tục duy trì đà tăng trường ấn tượng ở mức trên 20%/năm vào các năm sau đó.

Du lịch phát triển cũng là cơ hội để Sa Pa chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nếu như trước kia, 90% người thiểu số Sa Pa đốt rẫy, làm nương, phá rừng trồng thảo quả thì giờ đây, con số đó chỉ còn 50%. Từ một nền kinh tế nặng về nông nghiệp, nhiều người dân đã tự chuyển đổi sang làm nhà hàng, khách sạn hay nuôi trồng các loại đặc sản phục vụ ngành du lịch.

Những mảnh đời đổi thay nơi thị trấn trong sương - Ảnh 5.

Toàn cảnh khu du lịch Sun World Fansipan Legend tại Sa Pa

Ông Hầu A Lềnh - ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch, tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX, bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc rất ấn tượng với những điều mà người dân tộc thiểu số đang đóng góp vào du lịch. Ông nhận định: "Sun World Fansipan Legend là công trình thế kỷ, đã góp phần to lớn thúc đẩy du lịch Sa Pa, Lào Cai nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung phát triển đúng hướng trong 5 năm qua".

Còn với riêng những Má A Tông, Chảo Láo Sử…, một cách giản đơn hơn, cáp treo Fansipan chính là tuyến cáp đổi đời!

Nguồn bài viết