Khánh Diễm cùng ba mẹ đi xe máy từ Ninh Thuận vào TP.HCM truyền máu từ khi mới 6 tháng tuổi - Ảnh: DIỆU QUÍ
Hai mùa hè trôi qua, Trí Nguyễn đã chẳng còn háo hức đợi nghỉ hè kể từ khi mắc căn bệnh quái ác.
Trương Nguyễn Trí Nguyễn (sinh năm 2006, quê huyện Phú Tân, An Giang) được phát hiện mắc ung thư máu từ tháng 4-2021.
Em đi khám ở gần nhà song tìm không ra bệnh, ra tuyến huyện xét nghiệm máu cho kết quả bạch cầu tăng cao, rồi chuyển lên Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM nhập viện.
Con không biết tựu trường năm ngoái các bạn học trực tuyến, nếu biết thì con đã đăng ký học rồi.
TRƯƠNG NGUYỄN TRÍ NGUYỄN
Áo bệnh nhi thay áo học trò
Trí Nguyễn phải chính thức rời trường học khi đang chuẩn bị thi học kỳ II của lớp 9 để tập trung điều trị theo phác đồ. Những ngày sau đó, em liên tục nhập viện, về quê được một tuần, nửa tháng lại trở lên TP thực hiện hóa trị. Chị Ngọc Thía - mẹ em - cũng bỏ hết việc để đồng hành với con chữa bệnh.
"Lần nào mà về được 10 bữa là nhiều lắm rồi. Đợt dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái, hai mẹ con ở luôn trong bệnh viện vì đâu có xe khách để về, mà lúc đó dịch dữ quá cũng không dám về", chị Thía cho hay.
Ở bệnh viện, Trí Nguyễn ban đầu hơi hoảng sợ vì nằm cùng phòng là những bạn hầu hết trọc tóc. "Tới giờ này tui vẫn không dám nói cho con biết sự thật vì sợ cháu buồn, chỉ nói rằng con bị thiếu máu nặng, nhưng cứ nghe lời bác sĩ là sẽ hết bệnh. Nói vậy để giữ tinh thần lạc quan cho con với cho tui luôn", chị tâm sự.
Trí Nguyễn vốn ít nói, thi thoảng em qua chơi cùng mấy bạn nhỏ tuổi ở cùng phòng. Người mẹ đỏ hoe mắt, nói với con mau hết bệnh rồi về đi học lại, song thật lòng chị cũng biết ngày con được ôm cặp trở lại trường còn xa lắm...
Giống Trí Nguyễn, cô bé Trịnh Gia Như (quận 5, TP.HCM) cũng đã rời xa lớp học từ hai năm trước vì đi viện suốt, không thể theo kịp bài vở. Gia Như mắc bệnh khi mới 6 tháng tuổi, năm em lên 2 thì mẹ qua đời, vài năm sau người anh trai mất vì đuối nước. Như đang sống cùng ba và nhà nội trong căn nhà lụp xụp.
17 tuổi nhưng căn bệnh ung thư máu khiến Như gầy gò, xanh xao trông như mới 12 - 13 tuổi. Gần đây, lá lách phình to khiến bụng em căng lên, đau nhói. "Vừa thiếu máu vừa dư sắt, truyền máu vô thì dư sắt nên phải thải sắt ra, thải không nổi thì phình lá lách", ông Trịnh Xuân Hiền - cha Như - cho biết.
"Bác sĩ nói chừng nào phình to hơn, truyền máu không nổi nữa thì phải mổ", Như nói và cho biết em hiểu 50% bệnh của mình sau khi tìm hiểu qua mạng. Từ ngày con bệnh, không thể tiếp tục công việc tài xế, ông Hiền chuyển sang làm tự do, ai thuê gì làm nấy nên càng khó khăn hơn dù có một số nhà hảo tâm hỗ trợ.
Mỗi tháng hai lần, có khi ba lần, hai cha con lại đèo nhau từ nhà đến bệnh viện ở huyện Bình Chánh để truyền máu. "Chưa tính tiền xăng, ăn uống thì mỗi lần truyền máu và lấy thuốc cũng hơn 2 triệu đồng", ông Hiền than.
Nhưng khổ nhất chắc là hoàn cảnh cô bé 5 tuổi Bạch Nữ Khánh Diễm (quê huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Diễm mắc bệnh suy tủy xương vô căn từ lúc 6 tháng tuổi. Tuổi thơ của em gắn liền với những chuyến xe máy cùng ba mẹ từ quê vào Sài Gòn chữa bệnh. Mỗi lần tiểu cầu hạ, Diễm lại xuất huyết, chảy máu chân răng, máu bị vón cục, chân tay bầm tím và em cũng chán ăn.
Không có tiền đi xe khách, mỗi tháng một lần, Diễm ngồi xe máy 8 tiếng cùng ba mẹ từ quê vào viện. Hai vợ chồng đều làm mướn nên mỗi lần đưa con vào truyền máu phải đi xin hoặc vay mượn khắp nơi. Khám xong họ lại tất tả quay về, không dám tìm chỗ nghỉ đêm bởi không đủ tiền.
"Vô đây truyền máu 3 tiếng, tiểu cầu 1 tiếng rưỡi, bệnh viện có hỗ trợ một phần chi phí. Bệnh này nếu nhà có tiền thì cấy tủy, còn không tiền thì phải đi trị cả đời", anh Đáng - ba Diễm - nói.
Khánh Diễm chưa một lần đến lớp mẫu giáo. Em đòi đi học, muốn tới trường chơi với các bạn nhưng vợ chồng anh Đáng phải nuốt nước mắt để con ở nhà. "Sức khỏe con yếu, sợ con nó đi học chơi giỡn lỡ té rồi bầm mình thì không hay" - chị Ly Na, mẹ Diễm, nói.
Ước muốn trên giường bệnh
Hè năm nay, khi chúng bạn ở quê đang tận hưởng đợt nghỉ hè đầu tiên của năm cấp III, chàng trai 16 tuổi vẫn còn ở bệnh viện. Trí Nguyễn vừa kết thúc đợt hóa trị cuối, dự kiến đợt cuối này thực hiện ba tuần song giờ đã gần một tháng.
"Khi đánh thuốc vào thì bạch cầu sẽ suy, ở đây gần cả tháng rồi mà bạch cầu của cháu vẫn chưa lên lại. Đã đánh thuốc xong năm phác đồ, sau đợt này sẽ chọc tủy coi có đáp ứng thuốc không, rồi cứ một tháng tái khám một lần trong vòng 24 tháng", chị Thía kể.
Căn bệnh thường làm em biếng ăn, mỏi mệt, những lúc không bị bệnh tật hành hạ, Như rất lạc quan và luôn khao khát một ngày mình sẽ khỏe lại. "Em thích nấu ăn lắm, sau này nếu có sức khỏe em cũng sẽ nấu ăn. Em không nấu nhiều vì nhà chật, mỗi lần làm xong cũng rất mệt", Như tâm sự.
Khánh Diễm vẫn hay đòi mẹ cho đi học. Diễm rất dạn dĩ, hôm gặp ở bệnh viện sau khi chuẩn bị trở về nhà, Diễm ngồi trong lòng mẹ hồn nhiên cười với người lạ, rồi dắt tay chúng tôi đi ra cửa như thể muốn rủ đi về cùng. Khi đó, tôi thấy mắt mẹ em đỏ hoe...