Những 'kháng thể gia đình' khỏe mạnh

3 năm trước 272
Những kháng thể gia đình khỏe mạnh - Ảnh 1.

Người lớn cùng xem những bộ phim trẻ nhỏ yêu thích cũng là cách chia sẻ với nhau - Ảnh: N.C.T.

Với từng mái ấm ở thời đại dịch, việc nuôi dưỡng sự thuận hòa, yêu thương, tinh thần lành mạnh và sáng suốt để cùng nhau vượt qua đại dịch, nói thì đơn giản nhưng thực tế mọi việc không dễ dàng.

Gia đình "toàn thời gian"

Trong phạm vi đời sống của nhiều gia đình, điều này có thể thấy rõ khi các thành viên đang mỗi người mỗi việc, mỗi quỹ thời gian riêng dành cho học hành, công việc, các mối quan hệ xã hội bỗng chốc phải gác lại để sống cùng với nhau toàn thời gian trong một ngôi nhà. 

Những khác biệt tính cách, quan niệm, giá trị sống mà trong hoàn cảnh sống bình thường thì có thể được "khuấy loãng", chuyển hóa qua công việc và các tương quan hướng ngoại, nay bộc lộ rõ nét qua các phát sinh mâu thuẫn với chính người ruột thịt trong nhà. 

Thậm chí có thể những tương phản trở nên gay gắt hơn bởi các tác động tâm lý tiêu cực, những ức chế nảy sinh, các xáo trộn tâm lý sinh ra bởi không gian sống bó hẹp, thiếu vắng tính cộng đồng...

Đã có những nghiên cứu ở các nước trên thế giới cho thấy trong thời gian giãn cách, phụ nữ bị bạo hành nhiều hơn, tỉ lệ ly hôn cao hơn, trẻ em bị trầm cảm và mắc hội chứng "giãn cách kéo dài" gia tăng... 

Việc sống cùng nhau trong điều kiện giãn cách đòi hỏi một khả năng "quản trị gia đình" và "xử lý khủng hoảng" nơi từng cá nhân, đặc biệt là cha mẹ - những người trụ cột gia đình - đặt trên nền tảng của sự tôn trọng, tình yêu thương và tinh thần độ lượng.

Một trong những mối nguy hại khó lường len lỏi vào trong đời sống gia đình thời giãn cách, đó chính là sự lệ thuộc vào thông tin công nghệ. Thông tin giả, thông tin u ám, những xung đột quan điểm, các trò giải trí không lành mạnh... từ trên màn hình điện thoại thông minh, tablet hay laptop đang thổi sự yếm thế vào trong mỗi thành viên gia đình, đặc biệt là trẻ em. 

Việc giải quyết sự buồn chán, bức bối bằng cách vào mạng xã hội tranh luận đúng sai, hóng hớt các tin giật gân và truyền lại cho các thành viên khác trong gia đình có thể dẫn đến những "nguồn lây nhiễm" tiêu cực, khiến không khí gia đình trở nên u ám, nặng nề.

Vì vậy, thông tin về dịch bệnh và các vấn đề xã hội thiếu kiểm chứng đến từ bên ngoài cần được chọn lọc, kiểm soát để xây dựng những giải pháp môi trường thông tin an lành trong phạm vi gia đình thay vì rơi vào tình trạng bội thực tin xấu, lây lan tâm lý bi quan. 

Thay vì mỗi người một màn hình chờ cho qua tháng ngày dài giãn cách, rất cần những sáng tạo làm cho gia đình trở nên gắn kết hơn thông qua việc gọi điện thăm hỏi người thân, cả nhà cùng trồng/chăm sóc cây, nấu những món ngon, học và chơi cùng con, vận động trong nhà hay hướng trẻ nhỏ đến các hoạt động thiện nguyện...

Khỏe từ bên trong...

Chưa bao giờ hoàn cảnh lại đặt ra thách thức lớn lao như vậy: việc đi lại thăm nom hạn chế để tránh khả năng lây nhiễm cho người già dẫn đến việc người già phải tự chăm sóc trong nhiều ngày khi không có con cái bên cạnh; sự cân nhắc trở về quê nhà hay ở lại thành phố khi hũ gạo gia đình cạn kiệt; việc phải quyết định tiêm chủng để giữ an toàn cho mình cũng là cho gia đình; tình huống xấu khi trong gia đình có người nhiễm bệnh phải tính toán các giải pháp để chăm sóc, bảo vệ; cả sự mất mát người thân diễn ra chóng vánh...

Quá nhiều thách thức lớn liên quan đến những lựa chọn sinh tồn và sinh tử mà gia đình hiện nay phải đương đầu. Nên đòi hỏi mỗi gia đình không cách nào khác cần hóa giải những bất ổn từ bên trong, có một không gian tâm lý vững mạnh, sáng suốt và gắn kết, để không chỉ trở thành thành trì mà còn là pháo đài tốt chống lại sự tàn phá của đại dịch.

Và rồi những vui buồn xảy đến trong những ngày tháng này sẽ là bài học, kinh nghiệm sinh tồn và trưởng thành trong tinh thần cho tất cả mọi người, đặc biệt là con cái chúng ta trong đời sống gia đình về sau. Sự chắt chiu tình cảm trong hoạn nạn và thử thách sẽ hun đúc văn hóa từng gia đình trở nên vững chắc để vượt qua đại dịch, và đương đầu những tình huống bất định trong tương lai.

Chấp nhận thực tế để có những điều chỉnh trong lối sống cũng là điều quan trọng mà các thành viên gia đình cần thiết phải chia sẻ như một nguyên tắc chung. Cuộc sống giản dị và tiết chế các nhu cầu vật chất, hướng tới những giao cảm trực tiếp, những đối thoại thường xuyên trong thấu hiểu và cùng nuôi dưỡng một môi trường sống an toàn, lành mạnh, vui tươi ngay trong chính gia đình sẽ giúp cuộc sống gia đình không trở nên nặng nề, căng thẳng, bức bối.

Mời bạn chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online cách nâng chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, bạn bè khi ở nhà mùa dịch, từ việc học tập, thể thao, giải trí... Bài viết không quá 800 chữ, có thể kèm ảnh và video. Email gửi về [email protected]. Bạn đọc vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và mã số thuế để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Sống an nhiên giữa mùa dịchSống an nhiên giữa mùa dịch

TTO - Bao nhiêu hỉ nộ ái ố thời COVID dễ tạo nên áp lực vô hình. Các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, các báo điện tử…) thấy đâu đâu cũng đưa tin COVID-19, hôm nay tăng bao nhiêu ca, bao nhiêu ca tử vong, tin giả, tin xấu…

Nguồn bài viết