Những hình ảnh chưa từng thấy được tàu của NASA gửi về từ Sao Hỏa

3 năm trước 314

Theo kênh CNN, trong họp báo ngày 19/2, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố hình ảnh đầu tiên được tàu Perseverance gửi về từ Sao Hỏa. Bức ảnh đã khiến những người tiếp nhận phấn chấn. 

Chú thích ảnhBức ảnh cho thấy tàu Perservance ở trên không ngay trước khi chạm bánh xuống Sao Hỏa. Ảnh: NASA

Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc tàu thăm dò gần chạm vào bề mặt Sao Hỏa trong quá trình hạ cánh và tiếp đất. Camera đã chớp được góc ảnh này. Đây là góc ảnh chưa từng được chụp trong các sứ mệnh trước đó.

Tài khoản Twitter của tàu Perseverance mô tả: “Bức ảnh này được chụp từ camera trên ‘lưng’ tôi, chớp lại khoảnh khắc tôi đang lơ lửng trên không ngay trước khi bánh xe chạm xuống. Khoảnh khắc mà đội của tôi đã mơ về suốt nhiều năm qua giờ đã thành hiện thực. Dám thử những điều vĩ đại”.

Ông Adam Steltzner, kỹ sư trưởng phụ trách tàu thăm dò, cho biết: “Nhóm đã vô cùng phấn khích và vui sướng khi đã đưa thành công một tàu thăm dò nữa lên bề mặt Sao Hỏa. Khi chúng tôi đầu tư vào việc này, chúng tôi làm vì nhân loại”.

Trong khi những hình ảnh đầu tiên mà tàu thăm dò gửi về tối 18/2 là ảnh đen trắng, cho thấy tàu đã hạ cánh an toàn xuống Sao Hỏa, thì những bức ảnh màu được công bố ngày 19/2 cho thấy màu đỏ đặc trưng của bề mặt Sao Hỏa.

Chú thích ảnhBức ảnh màu đầu tiên mà tàu Perseverance gửi về từ Sao Hỏa. Ảnh: NASA

Tài khoản Twitter của tàu Perseverance đăng dòng trạng thái: “Một chân trời mở, với quá nhiều điều để khám phá. Không thể chờ được nữa”.

Trong một bức ảnh, người ta cũng có thể nhìn thấy đá nằm rải rác trên bề mặt bằng phẳng ở khu vực hạ cánh tại miệng núi lửa Jezero, nhưng chúng nhỏ so với bánh xe của tàu thăm dò.

Camera HiRISE của Tàu Quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa bay phía trên khu vực hạ cánh khi tàu Perseverance chuẩn bị đáp xuống. Camera này đã chụp lại hình ảnh khó tin khi dù của tàu thăm dò mở ra.

Khoảnh khắc này là điều chưa ai từng chứng kiến trước đây. Nó rất ngoạn mục, khiến nhóm kỹ sư ngỡ ngàng. Họ có cảm giác chiến thắng khi có thể chớp được những hình ảnh này và chia sẻ với cả thế giới.

Nhóm kỹ sư đã tổ chức tiệc ảo để ăn mừng và có đêm ngủ ngon giấc nhất khi biết tàu đã hạ cánh an toàn.

Chú thích ảnhĐá trên Sao Hỏa có các lỗ nhỏ khiến các nhà khoa học tò mò. Ảnh: NASA

Bà Pauline Hwang, Giám đốc sứ mệnh chiến lược của tàu Perseverance nói: “Tàu thăm dò đang hoạt động rất tốt và còn nguyên vẹn trên bề mặt Sao Hỏa, sẽ tiếp tục hoạt động tích cực và tuyệt vời".

Cuối tuần này, tàu thăm dò sẽ được kiểm tra phần cứng để đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru. Cột ăng ten sẽ mở ra và camera trên đó sẽ chụp thêm ảnh về khu vực xung quanh tàu thăm dò để có bức ảnh toàn cảnh. Camera cũng sẽ tự chụp ảnh selfie của tàu thăm dò.

Ingenuity, chiếc trực thăng bé gắn bên dưới tàu thăm dò, cũng sẽ được kiểm tra. Trước khi trực thăng có thể bắt đầu loạt chuyến bay thử nghiệm trong 30 ngày, sẽ có nhiều điều phải làm và sẽ mất thời gian.

Tàu thăm dò sẽ cần di chuyển tới một địa điểm được gọi là khu vực sân bay để thả trực thăng xuống bề mặt Sao Hỏa và di chuyển ra xa trực thăng.

Tàu Perseverance sẽ có thể theo dõi và ghi lại hình ảnh, video về chuyến bay lịch sử này. Trực thăng Ingenuity cũng mang theo hai camera và sẽ chia sẻ hình ảnh từ trên không.

Sau khi tàu thăm dò đã đáp xuống Sao Hỏa, nó có thể chuyển sang phần mềm cần phải sử dụng khi chạy trên bề mặt hành tinh này.

Chú thích ảnhHình ảnh tàu Perseverance trên đường tới khu vực hạ cánh do camera HiRISE chụp. Ảnh: NASA

Hình ảnh mà tàu gửi về sẽ cung cấp thông tin cho nhóm khoa học để họ có thể bắt đầu sứ mệnh, sẵn sàng nghiên cứu các hình ảnh và vạch ra con đường cho tàu thăm dò.

Tàu Perseverance sẽ dành hai năm tới để tìm hiểu miệng núi lửa Jezero, tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ xưa khi Sao Hỏa là nơi có thể có thích hợp với sự sống hơn bây giờ.

Tàu sẽ tìm hiểu đá gần đó trên nền miệng hố Jezero để xem đó là đá bazan núi lửa hay đá trầm tích, đồng thời tìm hiểu xem có khoáng chất olivin không. Đây là khoáng chất rất được các nhà khoa học quan tâm.

Các lỗ trên một số hòn đá cho thấy có thể có khí thoát ra từ đá nếu chúng được hình thành từ dung nham. Nếu là đá trầm tích thì lỗ đó có thể là nơi chất lỏng hòa tan một phần đá và chảy ra.

Nguồn bài viết