Những F0 khỏi bệnh tình nguyện 'bám trụ' tuyến đầu - Bài cuối: Tiếp sức và lan tỏa tinh thần thiện nguyện

3 năm trước 1150
Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh tri ân các tình nguyện viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, trưa 15/9. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Cần thêm nhiều F0 tình nguyện

Trước sự quá tải của nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung F0, cuối tháng 8/2021, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) đã đăng thông tin tuyển 100 tình nguyện viên là F0 đã âm tính để hỗ trợ điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Cụ thể, bệnh viện cần 25 bác sĩ và điều dưỡng, 50 người chăm sóc bệnh nhân, hai lái xe chở F0 và các vị trí khác. Các tình nguyện viên sẽ làm việc trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung và điều trị COVID-19 do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách.

Đến ngày 21/9, theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, đơn vị này đã tuyển đủ nhân sự tình nguyện. Đánh giá về các tình nguyện viên F0, bác sĩ Khanh cho hay, những trường hợp F0 đã được điều trị khỏi bệnh tại các bệnh viện đều ít nhiều có kinh nghiệm vượt qua bệnh tật, họ hiểu tâm lý, nhu cầu của người bệnh nên sẽ chăm sóc và tư vấn người bệnh tốt hơn tình nguyện viên bình thường. Bên cạnh đó, bản thân những F0 đã khỏi bệnh là một liều thuốc tinh thần giúp các F0 đang điều trị có niềm tin, lạc quan hơn, cố gắng hợp tác với y bác sĩ để nhanh chóng khỏi bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin, đã có gần 2.000 F0 tại TP Hồ Chí Minh khỏi bệnh tình nguyện đăng ký trở lại các cơ sở điều trị COVID-19 để trợ giúp nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân. Đây là lực lượng quan trọng, bởi các F0 khỏi bệnh có sẵn kháng thể hiệu quả với SARS-CoV-2, có thể tham gia nhiều phần việc trợ giúp nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là với các bệnh nhân có bệnh nền, bệnh nhân trở nặng…

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới vẫn cao, số bệnh nhân nặng vẫn nhiều, ngành Y tế Thành phố đang cần hơn 3.000 nhân lực tình nguyện ở các vị trí để hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu. Cụ thể, trong 3.000 vị trí việc làm mà ngành Y tế TP Hồ Chí Minh cần bổ sung cho các cơ sở điều trị COVID-19 có 558 bác sĩ, 4 dược sĩ, 987 điều dưỡng; 306 hộ lý, 733 hỗ trợ điều dưỡng… và các vị trí trợ lý nhập liệu khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã gửi thư ngỏ tới các F0 đã khỏi bệnh. Trong thư, Thứ trưởng Sơn chia sẻ, vẫn còn có quá nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết liệt, nỗ lực hết sức của chính quyền địa phương, nhân dân thành phố và lực lượng y tế đến hỗ trợ. Chính vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá sự chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết chiến thắng bệnh tật của những F0 đã khỏi COVID-19 là một phần trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh hiện nay. Ông khẳng định: “Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, sự có mặt của các bạn trong thời điểm này sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực, cổ vũ cho lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt cho những bệnh nhân COVID-19. Chúng ta nhất định phải bước tiếp và chiến thắng".

Cần "tiếp sức" cho F0 tình nguyện

"Làm tình nguyện viên không hề khó mà cũng không phải dễ". Đây là nhận định của "F0 man" Nguyễn Hồng Kỳ sau hơn 1 tháng đảm nhận công việc tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã chiến số 4.

Anh Kỳ chia sẻ, công việc của tình nguyện viên thật sự rất vất vả, đặc biệt nếu được phân công chăm sóc, hỗ trợ cho các bệnh nhân nặng. Đây cũng không phải là công việc chỉ để chụp ảnh khoe khoang lên mạng xã hội mà phải đặt trọn toàn bộ cái tâm của mình.

"Việc chăm sóc cho một bệnh nhân phải mất từ 30-45 phút chứ không phải qua loa, cho ăn phải kiên nhẫn từng chút một, lau người phải cẩn thận, kỹ càng không phải vài ba nhát là xong, thậm chí còn phải niềm nở, vui vẻ để động viên tinh thần họ, chăm sóc chu đáo y như người thân của mình", anh Nguyễn Hồng Kỳ kể lại công việc của mình.

F0 tình nguyện Huỳnh Khang cũng từng "choáng" khi bắt tay vào việc làm tình nguyện viên. "Thật sự ban đầu, em gặp khó khăn trong việc chăm sóc, làm vệ sinh cho bệnh nhân nặng bởi vì trước nay em chưa làm bao giờ. Sau một thời gian, em đã quen hơn và có thể nói đây là trải nghiệm quý giá trong cuộc đời mình", Khang tâm sự. Điều mà Khang mong mỏi nhất sau khi làm tình nguyện viên là 6 tháng sau được hỗ trợ tiêm vaccine để em có thể tiếp tục được tham gia các hoạt động bình thường khi Thành phố mở cửa trở lại bình thường.

"Ở đây, chúng tôi cũng được lo nơi ăn, chốn ở như lực lượng y bác sĩ tuyến đầu nên không có điều gì phải phàn nàn cả" - F0 tình nguyện Minh Khôi (Bệnh viện Dã chiến số 3) chia sẻ. Về chế độ đối với các tình nguyện viên F0, cả Hồng Kỳ và Huỳnh Khang, Minh Khôi đều đã nghe nói đến khoản hỗ trợ này nhưng tất cả đều không quan tâm và sẵn sàng nhường "suất" của mình cho các F0 tình nguyện khó khăn hơn. "Mình làm tình nguyện vì cái tâm của mình muốn như thế chứ không phải là để nhận được tiền hỗ trợ", các F0 tình nguyện cùng cho hay.

Trước nhu cầu cần thêm nhiều F0 tình nguyện, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản vận động, tuyên truyền và tiếp nhận tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố. Đối tượng là các F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày tại nhà theo quy định của Bộ Y tế, tự nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch.

Để hỗ trợ các F0 tình nguyện, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch cụ thể về các chế độ cho các tình nguyện viên F0 tham gia chống dịch. Cụ thể, tình nguyện viên tham gia chống dịch sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng chống dịch, được hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện theo quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ và các quy định khác.

Theo đó, F0 tình nguyện sẽ được hỗ trợ từ 200.000-300.000 đồng/ngày/người khi thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Bên cạnh đó, tình nguyện viên F0 được trang bị các vật dụng bảo hộ để đảm bảo an toàn khi tham gia phòng, chống dịch. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, khu cách ly F0 thực hiện ký hợp đồng thỏa thuận làm việc đối với tình nguyện viên là người F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch và thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ đối với các tình nguyện viên theo quy định. Trước khi bố trí công việc hỗ trợ người bệnh tại các đơn vị, tình nguyện viên F0 khỏi bệnh phải được thực hiện xét nghiệm kháng thể có kết quả âm tính. Các bệnh viện chịu trách nhiệm tập huấn công tác chuyên môn hoặc hướng dẫn người tình nguyện, phân công tình nguyện viên là người F0 khỏi bệnh phù hợp với năng lực cho hoạt động hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Song, có nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố cần có thêm chính sách hỗ trợ cho F0 tình nguyện như được tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 6 tháng, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho những người mất việc hoặc hỗ trợ con cái của họ trong học tập, đời sống... để từ đó càng nhân thêm nhiều F0 sẵn sàng tình nguyện vì cộng đồng.

Nguồn bài viết