Những cách tân điện thoại gây tranh cãi của LG

3 năm trước 480
Theo TechRadar, LG có nhiều thiết kế độc đáo, mạo hiểm nhưng không thành công như mong đợi vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, thiết kế xoay của LG Wing 5G, màn hình kép của LG V60 và LG G8X gây khó khăn cho việc sắp xếp các ứng dụng trên màn hình phụ. Rõ ràng, điện thoại một màn hình chạy hệ điều hành iOS và Android vẫn ổn hơn. 
Không chỉ đổi mới thiết kế, LG còn thử nghiệm các tính năng mới. Mô-đun đặc trưng của LG G5 cho phép người dùng tháo rời phần thân dưới thiết bị để lắp camera chụp ảnh cầm tay. LG V50 lại có điều khiển bằng cử chỉ tay, nhận dạng chuyển động tay của người dùng bằng cách theo dõi các tĩnh mạch.
Những cách tân điện thoại gây tranh cãi của LG - ảnh 1

Màn hình kép của LG V60

Ảnh: LG

Những thử nghiệm như vậy của LG mới lạ nhưng chưa đủ đột phá để có thể thay đổi hoàn toàn thiết kế smartphone hiện đại. Thay vì đi theo xu hướng quen thuộc, công ty lại cố "chữa cháy" bằng cách trình làng thêm nhiều thiết kế mới hơn nữa, như thiết kế mô-đun của LG G5 với phần pin tháo lắp dễ dàng cho người dùng thay thế, hay LG V10 bổ sung màn hình phụ 2,1 inch dành riêng cho phím tắt và các thông báo, để màn hình chính được trống trải khi người dùng xem phim. 

Sáng tạo thôi chưa đủ

Hầu hết thử nghiệm của LG đều sáng tạo nhưng việc triển khai lại không đủ trực quan để thay đổi thói quen dùng điện thoại của khách hàng.
LG G4 có màn hình cong và tính năng Knock Code cho phép người dùng mở khóa điện thoại bằng cách gõ lên màn hình. Về lý thuyết là như vậy. Thực tế Knock Code không hoạt động được như quảng cáo, trong khi đó tính năng quét vân tay của iPhone và các điện thoại Android hiện nay đơn giản và dễ sử dụng hơn. 
Khi LG G2 thống trị vào năm 2012, công ty đang cạnh tranh gay gắt với Samsung và HTC nên họ phải cố gắng bổ sung các chi tiết mới lạ để nổi bật hơn đối thủ. Vấn đề của LG là họ vẫn giữ nguyên tư duy thử nghiệm này trong khi các dòng điện thoại Android khác đã âm thầm chuyển sang thiết kế hình chữ nhật đen với màn hình tràn cạnh, camera selfie đơn trong một notch và nhiều camera ở mặt sau thiết bị. 
Những cách tân điện thoại gây tranh cãi của LG - ảnh 2

Thiết kế mô-đun của LG G5 bị chê là kém hoàn thiện

Ảnh: LG

Vào thời điểm LG G6 bắt đầu đi theo xu hướng thiết kế hình chữ nhật đen, Xiaomi, Huawei, Oppo và OnePlus đã sản xuất những mẫu tương tự giá rẻ hơn. Những chiếc LG flagship đời sau, thậm chí mẫu LG V60 cũng chưa đủ khả năng cạnh tranh với các đối thủ tương tự có giá phải chăng hơn trên thị trường. 
Trong bối cảnh như vậy, LG lại tiếp tục "cố đấm ăn xôi" thử nghiệm các thiết kế như màn hình kép và LG Wing, với hy vọng sẽ tạo ra phiên bản rẻ và thân thiện hơn của thiết kế màn hình gập (foldable). Nhưng thực tế cho thấy khách hàng ngày nay đã quá quen thuộc với loại smartphone phẳng một màn hình. Bất kỳ thiết kế nào khác đối với họ đều xa lạ. 
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những cách tân của LG đã thay đổi quy trình thiết kế điện thoại. Chẳng hạn LG G3 là một trong những điện thoại có màn hình độ phân giải Quad HD (1.440 x 2.560) đầu tiên và sạc không dây Qi. LG V10 cũng giới thiệu camera kép ở mặt trước, cho phép chụp ảnh selfie rộng.
Theo ScreenRant, LG không còn là công ty duy nhất thử nghiệm các yếu tố hình thức của smartphone. Các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi và Oppo đang làm điều đó. Ngành công nghiệp smartphone cũng đang chứng kiến những thiết kế sáng tạo hơn như điện thoại gập và mở rộng của Samsung và nhiều hãng khác. Khi LG rút lui, các nhà sản xuất smartphone đối thủ hoàn toàn có khả năng lấp đầy khoảng trống mà tập đoàn Hàn Quốc để lại trên thị trường. 
Nguồn bài viết