Chúng tôi đến Đồn biên phòng Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, được Đại úy Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó của Đồn đưa đi cơ sở tìm hiểu thực tế về công tác giữ gìn an ninh biên cương, chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc nơi biên giới.
Xã Chiềng On phần lớn là đồng bào dân tộc Mông và Xinh Mun, Kinh... Người dân sinh sống ở xã Chiềng On, nơi tiếp giáp với bản Sop Dung huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND luôn nhắc tên Thào Nguyên Hồ bởi anh là một trong những cán bộ, chiến sĩ của Đồn nói tiếng đồng bào thành thạo; là người hay đi, hay làm, gần dân, vận động dân khéo.
Đại úy Thào Nguyên Hồ là người dân tộc Mông, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình nên có nhiều thuận lợi trong công tác dân vận. Trong quá trình công tác, anh đã có những góp ý thiết thực cho xã Chiềng On xây dựng Nghị quyết lãnh đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội với chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sát với thực tế địa phương, củng cố các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, chú trọng phát triển đảng viên trẻ, đảng viên nữ, đảng viên là người DTTS, đảng viên theo tôn giáo… Với sự đóng góp tích cực của anh và cán bộ chiến sĩ Đồn Chiềng On, từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ xã Chiềng On đã kết nạp được nhiều đảng viên; kiện toàn được các chi bộ trong toàn Đảng bộ xã.
Còn thầy giáo quân hàm xanh, người dân tộc Vân Kiều - Thượng úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị) đã để lại biết bao tình cảm của đồng bào Pa Cô - Vân Kiều nơi biên giới Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hữu là một trong những thầy giáo tham gia lớp học “xóa tái mù chữ” cho chị em phụ nữ đồng bào Pa Cô - Vân Kiều ở xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa. Đây là sáng kiến của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng và Hội phụ nữ xã Ba Tầng cùng chung tay gây dựng với mong muốn phổ cập giáo dục cho chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ có lớp học “xóa tái mù chữ” của các thầy giáo quân hàm xanh, trong đó Thượng úy Hồ Văn Hữu đứng lớp giảng dạy mà nhiều chị em từ chỗ không biết tiếng phổ thông, nay đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép toán đơn thuần. Có chị còn biết sử dụng điện thoại để livestream bán hàng online trên mạng xã hội.
Thượng úy Hồ Văn Hữu nhớ lại: Những ngày đầu đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động chị em phụ nữ, nhất là những người trung niên và cao tuổi đến lớp, đến trường rất khó khăn. Không chỉ các chị, các mẹ, các bà ngại đi học, mà chính các ông chồng cũng không muốn cho vợ đi học. Họ sợ vợ, con đi học về lại giỏi hơn mình, sợ không nói được vợ nên các ông chồng không muốn cho đi. BĐBP đã vận động và phân tích có trước, có sau nên nhiều ông chồng đã đồng ý cho vợ đi học.
Chỉ tính riêng từ tháng 11/2021 đến nay, BĐBP Đồn Biên phòng Ba Tầng đã mở được 5 lớp “xóa tái mù chữ” với 172 học viên đăng ký tham gia. Trong đó có 2 lớp với 65 học viên ở thôn A Dơi đã bế giảng và kết thúc chương trình khóa học từ tháng 4/2022. Hiện nay các chiến sĩ Biên phòng và Hội phụ nữ xã Ba Tầng đang duy trì 3 lớp với 107 học viên mới khai giảng và khóa học sẽ kéo dài trong 6 tháng.
Trong số hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong toàn lực lượng là người dân tộc thiểu số thì Thiếu tá Lý Hừ Cà - người dân tộc Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã khẳng định được vai trò và uy tín của mình trong đồng bào các dân tộc sinh sống nơi nơi gọi là “ngã ba biên giới”. Anh Cà từng công tác tại các Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, Nà Hỳ, A Pa Chải và đều để lại những dấu ấn riêng trong công tác dân vận. Hiện Thiếu tá Lý Hừ Cà là cán bộ tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Ngoài tiếng mẹ đẻ, anh còn có thể giao tiếp bằng tiếng Mông, tiếng Lào, cũng như am hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Với lợi thế biết nói tiếng dân tộc, phong cách làm việc hoạt bát, tính cách cởi mở, nhiệt tình, Thiếu tá Lý Hừ Cà tham gia giải quyết rất hiệu quả các vụ việc mâu thuẫn giữa các dân tộc do tình trạng di cư tự do, tranh chấp đất sản xuất... Anh cũng vận động thành công nhiều hộ dân sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, không nghe theo các đối tượng phản động xúi giục đòi li khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Mông”.
Thiếu tá Lý Hừ Cà cũng chính là người trực tiếp tham gia khảo sát, thực hiện Đề án 79 của UBND tỉnh Điện Biên về việc sắp xếp, ổn định người Mông di cư vào Mường Nhé. Anh là người đầu tiên có mặt ở khu đất thành lập bản mới, họp dân, tổ chức bầu các vị trí cán bộ cốt cán của bản..., ổn định tình hình tư tưởng người dân.
Đại úy Thào Nguyên Hồ, Thượng úy Hồ Văn Hữu và Thiếu tá Lý Hừ Cà chỉ là ba trong số rất nhiều cán bộ Biên phòng là người DTTS mà chúng tôi đã gặp trong các chuyến công tác tại biên giới. Điều dễ nhận thấy là hầu hết trong số họ đều có những đóng góp rất tích cực trong việc vận động nhân dân tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ biên giới cùng BĐBP. Thực tế, BĐBP đóng quân chủ yếu trên địa bàn biên giới, biển đảo, nơi có đông đồng bào các DTTS sinh sống. Xác định đội ngũ cán bộ là người DTTS có vai trò quan trọng trong vận động nhân dân khu vực biên giới xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc đối với cán bộ, quân nhân là người DTTS.
Theo Thượng tá Dương Công Tiệp, Phó trưởng Phòng Dân vận, Bộ Tư lệnh BĐBP, hằng năm, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố biên giới giao quân tăng tỷ lệ tuyển nhận chiến sĩ mới ở khu vực biên giới, đặc biệt là người DTTS để tạo nguồn đưa đi đào tạo, bồi dưỡng phục vụ lâu dài trong Quân đội và tạo nguồn cán bộ cho các địa phương vùng đồng bào dân tộc.
Tính từ năm 2012 đến năm 2022, các đơn vị đã tuyển nhận 67.921 chiến sĩ mới, trong đó, có 17.791 chiến sĩ mới là người DTTS, chiếm tỷ lệ 26,2%”. Đến nay, nhiều đồng chí sau khi hết nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã phát huy được năng lực, giữ các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, Đảng ủy BĐBP đã đề xuất Bộ Quốc phòng mở các lớp cử tuyển Trung cấp Biên phòng đào tạo hàng trăm hạ sĩ quan, binh sĩ và cử các đồng chí hạ sĩ quan, binh sĩ đi đào tạo tại các trường của quân đội và BĐBP để tạo nguồn quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) là người DTTS cho các đơn vị.
Cùng với công tác đào tạo, BTL BĐBP đã bố trí, sử dụng đội ngũ QNCN là người DTTS một cách hiệu quả căn cứ tình hình thực tế trên các tuyến biên giới. Phát huy lợi thế của đội ngũ QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ là người DTTS am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc, các đơn vị đã phân công tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản, phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự.
Cán bộ biên phòng đã tuyên truyền, vận động nhân dân biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia cùng BĐBP và địa phương quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2020-2025; phát huy hiệu quả của hoạt động của đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn biên phòng tha gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Thời gian tới, BĐBP tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ biên phòng người DTTS tăng cả về số lượng, chất lượng, thành phần dân tộc. Nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ biên giới, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Đồng thời, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham mưu cho chính quyền địa phương phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết có hiệu quả các vụ việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.