Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư điện lạnh, điện tử, kỹ sư trạm nguồn... đóng bàn ghế tại đơn vị ở Bentiu, Nam Sudan - Ảnh: HỮU NGHĨA
Trong chuyến công tác dài ngày của đoàn bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 Việt Nam sang Nam Sudan khám chữa bệnh theo nhiệm vụ với Liên Hiệp Quốc, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư điện lạnh, điện tử, kỹ sư trạm nguồn, kỹ sư xe máy... của bệnh viện còn chung tay đóng bàn ghế cho trường học địa phương.
Trường tiểu học không bàn
Vài tháng sau khi sang làm việc tại phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, khoảng cuối tháng 2-2020, thượng úy chuyên nghiệp Vũ Anh Đức được anh nhân viên dọn vệ sinh của bệnh viện, trước làm giáo viên, dẫn đi thăm ngôi trường nơi anh này từng làm việc.
"Tôi từng đi thiện nguyện ở nhiều điểm trường vùng cao tại Việt Nam nhưng cũng chưa từng thấy sự khó khăn tới vậy", Đức xúc động cho biết.
Đó là một trường tiểu học nhưng có hai lớp mầm non. Hai lớp mầm non lợp mái bằng thân cây bụi, vách quây bằng những tấm tôn cũ. Từng sợi nắng chiếu xiên qua thân cây, rọi lớp học vào chỗ các học sinh ngồi chơi dưới đất.
Các lớp tiểu học trông khá hơn, mái lợp mái tôn và vách cũng bằng tôn. Trong lớp, những thanh gỗ dài khoảng 1,5m, rộng 15cm được đóng thành những ghế băng dài để học sinh ngồi. Không có bàn nên các em phải kê vở lên đùi viết. Do nhiều ghế bị gãy, một số bạn ngồi trên sàn nhà.
"Tôi xem một cuốn vở thì thấy chữ viết xếch lên không thẳng hàng. Khi đó tôi nghĩ mình nên làm gì đó giúp các em, đóng bàn để các em có cái kê vở".
Trở về đơn vị, Đức chia sẻ tâm sự này với anh Hoàng Long Vân, kỹ sư xe máy của bệnh viện. Anh Vân, rồi anh Vui và nhiều anh chị em khác rất xúc động và ủng hộ sáng kiến đóng bàn ghế cho các sinh. Ai cũng muốn ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì góp phần giúp đỡ trực tiếp cho người dân địa phương.
Tranh thủ trước mùa mưa, các tấm gỗ pallet đựng hàng của bệnh viện được thu gom để cất vào nơi thoáng mát, khô ráo. Các thanh gỗ được tẩm dầu để chống mối mọt. Quá trình làm không có mặt bằng nên các anh em sử dụng khoảng trống giữa các container để căng bạt chống nắng làm "xưởng" đóng bàn ghế.
Họ thiếu những dụng cụ cơ bản nhất. Chỉ có mấy cái cưa dùng tạm, không có bào, chẳng có đục hay máy cắt. Từng chiếc đinh được tận dụng lại khi lấy gỗ ra. Mặc dù nhóm về phép được gửi gắm mang sang 2kg đinh nhưng số đinh này vẫn không đủ dùng.
Rất nhiều khó khăn đã nảy sinh, nhiều lúc phải tháo ra đóng lại hoặc bỏ hẳn do không có ai biết về nghề mộc. Kỹ sư Vân mày mò mấy lần mới "chế" được một bộ đục từ thanh tiếp điện chống sét.
Anh Vân xúc động cho biết: "Việc đóng bàn ghế này có lẽ là kỷ niệm khó quên nhất với tôi. Đã có lúc nản chí vì quá thiếu dụng cụ nhưng nhớ lại khi ra thăm trường, chứng kiến trường lớp quá hoang tàn và thiếu thốn, nghĩ đến hoàn cảnh các em học sinh ở đây, chúng tôi có động lực để tiếp tục và hoàn thành mục tiêu".
Sau một tháng vật lộn với đinh, với búa, mọi thứ dần ổn, bộ bàn học đầu tiên ra đời thì bác sĩ Lê Đắc Phú, và anh Ngô Văn Vui, kỹ sư trạm nguồn, đề nghị làm một chiếc ghế cho giáo viên.
Những bộ bàn ở lại
12 người bàn tới bàn lui về việc làm một chiếc ghế tựa "ra trò" hay một cái ghế đẩu đơn giản, cuối cùng họ "quyết tâm" đóng một cái ghế giáo viên thật oách, có tựa lưng để tri ân người thầy đứng lớn. Ba anh em là thợ chính lọ mọ hai ngày mới hoàn thành. Chiếc ghế giáo viên có màu xanh da trời tươi sáng và đẹp hơn những gì họ mong đợi.
"Cái ghế rất chắc chắn và là sản phẩm đẹp nhất trong dự án", anh Ngô Văn Vui không giấu được niềm tự hào.
Sau gần một năm, vượt qua những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ như đại dịch COVID-19, thời tiết mùa mưa, thiếu người và dụng cụ, 31 bộ bàn ghế chắc chắn ra đời từ những tấm pallet cũ với sự đóng góp công sức của 12 cán bộ của bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Nam Sudan. Người ít người nhiều, tùy công việc, hoàn cảnh, họ tham gia khi nào mình có thể.
Trường tiểu học Bentiu B Primary school được Bộ Giáo dục Nam Sudan chỉ định nhận các bộ bàn ghế cùng một số bộ chữ cái và động vật được cắt tỉ mỉ từ vỏ chai/can xà phòng.
Thời điểm bàn giao các bộ bàn ghế, học sinh đang nghỉ tránh dịch nên có chỉ có khoảng 20 học sinh lớn, có học sinh cao hơn cả các anh bộ đội ta và một số thầy cô, đại diện địa phương tham dự.
Ngày 30-11, Đức viết những lời tâm sự của mình trên Facebook: "Hôm nay tôi có thể thở phào nhẹ nhõm. Trên chiếc bàn này tôi mơ một giấc mơ hòa bình, một cuộc sống ổn định cho nhưng con người đáng yêu nơi đây.
Xin gửi những lời tuyệt vời nhất tới các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư điện lạnh, điện tử, kỹ sư trạm nguồn, kỹ sư xe máy - những con người tuyệt vời đã chung tay hoàn thành dự án 31 bộ bàn ghế cho trường học địa phương".
63 cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện dã chiến cấp 2, 2.2 Việt Nam sang đến Juba, thủ đô Nam Sudan ngày 20-11-2019. Do dịch bệnh COVID-19, thời gian công tác của đoàn kéo dài hơn một năm.
Thượng úy chuyên nghiệp Vũ Anh Đức sinh năm 1991. Anh là thủ kho dược - trang bị, có nhiệm vụ bảo quản, sắp xếp, cấp phát thuốc và vật tư y tế cho các khoa ban tại bệnh viện dã chiến cấp 2, 2.2 Việt Nam tại Bentiu, Nam Sudan.
Cho đến trước khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, Đức đã cắt khoảng 200 vỏ can xà phòng các loại để làm ra 150 bộ chữ cái và bộ những con vật cho trẻ em sống tại khu bảo vệ thường dân gần bệnh viện vừa chơi vừa học. Từ đó, anh có biệt danh là Đức "nhựa".
"Mình cứ túc tắc mà làm. Tranh thủ lúc rảnh, buổi tối, ngày này qua ngày khác trong gần một năm" - Đức nói.
Nhiều lần Đức bị phồng tay vì liên tục cầm kéo và dao rọc giấy để cắt các mảnh nhựa. Tham gia gìn giữ hòa bình cho anh bài học lớn về giá trị của hòa bình. Đức hi vọng trẻ em ở Nam Sudan được học tập trong hòa bình như bao trẻ em khác trên thế giới.