Những 'bông hoa' tỏa hương nơi tâm dịch

3 năm trước 254

Tham gia lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến ấy có không ít nữ dân quân, cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở. Bằng những hành động, việc làm thiết thực, họ ghi dấu ấn trong lòng nhân dân, góp phần tô thắm cho truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

Chú thích ảnhChị Nguyễn Thị Thủy Tiên (trái), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 10, quận Tân Bình cùng hội viên chuẩn bị các phần cơm nghĩa tình để trao cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ảnh: TTXVN phát

Những tấm gương thầm lặng

Trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh, hình ảnh chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường 10 (quận Tân Bình) miệt mài lựa chọn từng món thực phẩm, nhu yếu phẩm theo đơn hàng của người dân từ chương trình “đi chợ hộ” trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Có những khi siêu thị không đủ hàng hóa, chị Tiên tất bật chạy sang các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi gần đó để tìm cho đủ các món theo đơn đặt hàng. Sau khi hoàn tất việc giao hàng, chị lại tiếp tục cùng các chị em trong Hội đến thăm và tặng quà các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Đây là công việc mà chị làm mỗi ngày trong hơn 3 tháng chống dịch.

Chị Thủy Tiên chia sẻ: Phường 10, quận Tân Bình có đông lao động tự do, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, nhất là hội viên phụ nữ người Hoa, Khmer. Vì vậy, Hội Liên Hiệp Phụ nữ phường đã chủ động phối hợp với cùng chính quyền, các ban, ngành đoàn thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng. Hội dành sự quan tâm đặc biệt tới phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh. Hội đã phối hợp với các đơn vị, kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ tiền, sữa… cho các thai phụ và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. 

Ngoài việc tiếp nhận và phân phối các nhu yếu phẩm, thuốc men đến người dân, cán bộ Hội Phụ nữ Phường 10 còn phối hợp chặt chẽ với từng chi, tổ thực hiện nhiệm vụ đi chợ thay; rà soát những hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ… Các hội viên phụ nữ cũng trở thành những tổng đài viên tư vấn, hướng dẫn người dân đăng ký nhận gói hỗ trợ; thông tin về các chính sách phòng, chống dịch của thành phố…

"Dù không phải chuyên môn nhưng giúp được dân là cán bộ Hội và các hội viên đều nỗ lực hết sức. Tuy công việc có nhiều áp lực, khó khăn nhưng chỉ cần thấy được những nụ cười, nhận được những lời cảm ơn chân thành của người dân là chúng tôi lại quên đi mệt mỏi để tiếp tục nhiệm vụ", chị Thủy Tiên chia sẻ.

Trên “mặt trận” chống dịch không thể tránh khỏi những mất mát, đau thương. Chị Tiên chợt buồn khi nhớ lại cảnh người dân hoặc những hội viên phụ nữ bị nhiễm bệnh phải cách ly, trong số đó có những hội viên đã ra đi mãi mãi, có những đứa trẻ không bao giờ còn được gặp mẹ. Bản thân chị cũng đã nhiều tháng qua chưa được gặp con gái nhỏ mới hơn 2 tuổi của mình.

“Hai vợ chồng tôi đều tham gia chống dịch tại địa phương nên phải gửi con cho bà nội chăm sóc để yên tâm làm nhiệm vụ. Nhiều lúc nhớ con mà không dám gặp vì sợ không đảm bảo sức khỏe cho con và gia đình; hơn nữa cũng sợ con gặp mình không dứt ra được và mình cũng khó quay lại làm việc. Vì vậy, hai vợ chồng tự động viên nhau, nhớ con quá đem ảnh con ra ngắm hoặc nhờ người nhà chụp ảnh, quay clip của con rồi gửi sang. Hiện nay, tình hình chống dịch của Thành phố đang rất khả quan, chúng tôi hy vọng ngày Thành phố chiến thắng đại dịch, lúc đó hai vợ chồng mới có thể yên tâm đoàn tụ với gia đình”, chị Tiên tâm sự.

Quận 12, một trong những nơi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, đã có nhiều gương tập thể, cá nhân chung tay tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch, chăm lo cho người dân… Tiêu biểu là chị Trần Thị Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 2, phường Tân Thới Nhất.

Trong hơn 3 tháng qua, chị Xuân đã đóng góp, cũng như phối hợp cùng Chi hội Phụ nữ phường vận động các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc… cho hội viên khó khăn, công nhân nhà trọ trên địa bàn và các hộ dân trong khu phong tỏa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chị Xuân đã vận động được nhiều nhà tài trợ tặng 10.000 khẩu trang vải, hơn 500 phần thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho Trạm Y tế phường Tân Thới Nhất. Chị đã cùng các hội viên trong chi hội tham gia nấu các suất cơm nghĩa tình phục vụ tại các chốt kiểm soát, khu cách ly, trên địa bàn phường. Bên cạnh đó, chị còn tích cực hỗ trợ lực lượng y tế tiêm vaccine phòng COVID-19, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn; tham gia đi chợ giúp hội viên, cho người dân trong khu phong tỏa…

Chia sẻ về thời gian cao điểm tham gia công tác phòng, chống dịch, chị Xuân cho biết “không thể ngờ đại dịch bùng phát lần này lại nặng nề đến như vậy. Ai cũng bị quá tải vì lượng công việc nhiều. Có những lúc, xe tải chở hàng chục tấn hàng của nhà tài trợ đến hỗ trợ người dân, cán bộ, hội viên phụ nữ phường phải cùng các lực lượng khác bốc xếp rồi phân chia, giao cho người dân… Mọi việc xong xuôi nhiều lúc đã là nửa đêm. Đặc biệt, khi có hội viên bị nhiễm bệnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải cách ly, điều trị theo quy định, lượng công việc càng nhiều hơn. Nhưng không ai kêu mệt, bởi trong thời điểm này, người dân cần hỗ trợ hơn bao giờ hết”.

Bà Trương Nhựt Thẫm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 12 cho biết: trong đợt dịch này, chị Trần Thị Xuân đã có những hành động cụ thể, thiết thực hỗ trợ kịp thời cho tổ chức Hội, cho địa phương. Đến khu phố 2, phường Tân Thới Nhất, ai cũng biết đến chị với niềm yêu mến và kính trọng. Chị là bông hoa ngát hương trong “vườn hoa nơi tuyến đầu của phường”. Những hành động đẹp của chị đã góp phần lan tỏa, tiếp thêm sức mạnh cho người dân vượt qua dịch bệnh. Chị là tấm gương sáng để chị em trong chi hội và phụ nữ các phường của Quận 12 học tập.

Nữ dân quân tình nguyện lên tuyến đầu

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, 24 tuổi, dân quân của xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) đã tham gia chống dịch tại Bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 số 12 gần 3 tháng qua. Vừa mới lập gia đình, nhưng khi đại dịch bùng phát tại Thành phố, Trúc vẫn xung phong tham gia phục vụ công tác hậu cần và hỗ trợ việc điều trị ở bệnh viện.

Chú thích ảnh Nguyễn Thị Thanh Trúc (phải), nữ dân quân của xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn tham gia chống dịch tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 số 12. Ảnh: TTXVN phát

“Là dân quân, là thanh niên, em thấy mình có trách nhiệm cống hiến sức trẻ cho nhân dân, đất nước để cùng chống lại đại dịch. Công tác trong lực lượng dân quân gần 3 năm, đây là lần đầu tiên em nhận một nhiệm vụ khó khăn, áp lực nhưng cũng đầy ý nghĩa như vậy. Khi biết em xung phong lên tuyến đầu chống dịch, gia đình rất lo lắng nhưng vẫn ủng hộ và tự hào vì quyết định của em”, Trúc tâm sự.

Với quan điểm không chọn việc nhẹ nhàng, trong thời gian làm việc tại bệnh viện, mỗi ngày, Trúc dậy rất sớm để cùng các tình nguyện viên khác hỗ trợ đội ngũ quân y thực hiện sàng lọc, thăm khám cho bệnh nhân; phân phát các bữa ăn cho người bệnh; giúp di chuyển hành lý, tư trang của người mới nhập viện. Công việc của Trúc chỉ kết thúc khi bệnh nhân an giấc. Suốt 3 tháng làm nhiệm vụ, chỉ thi thoảng Trúc mới có thời gian gọi cuộc điện thoại ngắn về cho gia đình. Trong những cuộc gọi vội vã đó, Trúc thường chỉ kịp hỏi thăm tình hình sức khỏe và dặn dò người thân tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, tránh ra khỏi nhà.

Trung tá Ngô Văn Phương, Chính Trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hóc Môn cho biết, Nguyễn Thị Thanh Trúc nhiều năm liền là điển hình thanh niên tiêu biểu của huyện Hóc Môn, là tấm gương sáng trong công tác quân sự, phụ nữ cũng như công tác đoàn. “Trong đợt bùng phát dịch lần này, Trúc tuy là nữ dân quân duy nhất tham gia phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 nhưng luôn xông xáo, nhiệt tình, xung phong nhận những nhiệm vụ khó khăn không kém các nam dân quân. Trúc còn rất quan tâm bệnh nhân, luôn giữ thái độ hòa nhã, tích cực, động viên và được rất nhiều bệnh nhân yêu mến. Mới xây dựng gia đình nhưng Trúc đã tạm gác lại việc riêng để tham gia nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 chung của huyện. Đây là tinh thần rất đáng được tuyên dương”, Trung tá Ngô Văn Phương cho biết.

Những ngày gần đây, nhiều khu vực trong Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 đã bắt đầu trống bệnh nhân. Số bệnh nhân đang điều trị tại đây chỉ còn chiếm 1/5 công suất được xây dựng ban đầu. Dự kiến, bệnh viện sẽ hoàn thành sứ mệnh và giải thể vào đầu tháng 11 tới. Đây là một tin vui cho Trúc cũng như các tình nguyện viên khác bởi sắp họ sắp hoàn thành nhiệm vụ, được đoàn tụ cùng gia đình.

Nguồn bài viết