Lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân khu phong tỏa hẻm 50 Trương Văn Thành - Ảnh: H.CHƠN
Người dân tại hẻm 50 Trương Văn Thành, khu phố 4, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) trong thời gian bị phong tỏa được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động.
Công nghệ lên ngôi
Hẻm 50 có khá nhiều phòng trọ, dân cư rất đông. Vậy nhưng ai cũng tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Nếu thấy có người ra khỏi nhà thì chắc chắn đó là để nhận hàng tiếp tế.
Đoàn phường Hiệp Phú đã đặt những quầy thực phẩm mang tên "Gian hàng 0 đồng" từ rất sớm. Tại đây, từ rau củ, trái cây đến lương thực khô dùng được lâu ngày khá phong phú. Ai cũng có thể tìm được những món mình cần.
Người dân đến nhận thức ăn luôn đảm bảo khoảng cách 2m trở lên. Tuy nhiên, bí thư Đoàn phường Hiệp Phú Nguyễn Quang Linh lại muốn an toàn hơn nữa. Anh chủ động lập nhóm (group) Zalo với sự tham gia của đoàn viên và tất cả các hộ dân.
Gia đình nào cần hỗ trợ chỉ việc gửi yêu cầu vào group, vài phút sau có tình nguyện viên sẵn sàng trước cổng. Ai muốn mua hàng tiêu dùng khác nằm ngoài khu cách ly cũng áp dụng theo cách này, các đoàn viên đảm nhận mua giúp.
Nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thuê xe 3 bánh, xe bán tải cho đoàn viên tự lái đưa "Gian hàng 0 đồng di động" chở nhu yếu phẩm đến từng nhà dân, khu phòng trọ phục vụ tận nơi. Những tờ giấy ghi "thực đơn" được treo sẵn trước cửa nhà, "tài xế" và "phụ xe" cứ vậy mà phân phối. Các bạn làm việc liên tục từ 6h đến 20h hằng ngày.
Những phòng trọ có con em cần học trực tuyến (online) nhưng chưa có điện thoại thông minh, đoàn viên cũng hào phóng cho mượn điện thoại hoặc máy tính bảng. Có bạn còn mang theo sẵn laptop để ai có nhu cầu thì hỗ trợ ngay.
Nhìn nghĩa cử cao đẹp của các bạn trẻ, cư dân chia sẻ sóng WiFi với trẻ em hàng xóm. Những nhân viên văn phòng đang tạm nghỉ làm mùa dịch cũng sẵn lòng cho mượn thiết bị di động thông minh, giúp chuyện học hành của trẻ em không bị gián đoạn.
"Online" vẫn vui
Sinh hoạt thời giãn cách thật đặc biệt mà không kém phần vui nhộn. Không tập thể dục ngoài đường thì người dân tích cực tập yoga tại gia.
Mặt bằng nhỏ hẹp trong mỗi căn nhà được tận dụng tối đa cho việc rèn luyện sức khỏe. Bàn ghế ít khi sử dụng nên đã được sắp xếp gọn để tiết kiệm diện tích.
Không còn karaoke "kẹo kéo", giờ có phong trào livestream tập tạ, yoga trực tuyến liên tục phát triển. Đã có câu lạc bộ tổ chức thi thể thao online thành công, giải thưởng hẹn sẽ trao khi hết dịch.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng - chủ tịch Ủy ban MTTQVN P.Hiệp Phú, cũng là một "tín đồ" yoga - dí dỏm: "Nhiều người lo sẽ bị tăng cân trong lúc giãn cách, nhưng với phong trào tập TDTT tại nhà, việc giữ gìn sức khỏe và vóc dáng không hề khó".
Cách ly nhưng không cách lòng. Mọi người "siêng" gọi điện, chat hỏi thăm sức khỏe. Tôi cũng thường xuyên điện thoại cho người thân nơi quê nhà, trấn an tinh thần để không phải lo lắng nhiều cho chúng tôi.
Mấy ngày trước, cư dân hẻm này được xét nghiệm COVID-19. Nhiều thanh niên chủ động nhường cho người lớn tuổi xét nghiệm trước.
Trật tự, an toàn và hoàn thành sớm hơn dự kiến cũng là nhờ tự giác và biết nhường nhau. Ngày hôm sau, kết quả xét nghiệm được thông báo, vỡ òa trong niềm vui: không có trường hợp nào dương tính.
Tôi ấn tượng với một chị ở gần nhà. Chị vừa được người thân trên Đà Lạt gửi tặng nhiều rau quả. Chị cặm cụi tách ra những phần bằng nhau rồi nhờ các tình nguyện viên gửi tặng cho cả xóm. Tình người trong hoạn nạn, cứ mỗi lần nghĩ đến lại thấy mắt cay cay…
Báo Tuổi Trẻ mở mục Nhật ký trong khu cách ly, để đăng tải những câu chuyện, vấn đề và thông tin liên quan các khu cách ly phòng dịch COVID-19. Rất mong nhận được cộng tác của bạn đọc, nhất là các bạn đang có mặt trong khu cách ly.
Bài viết, hình ảnh, video xin gửi về: [email protected], đặt tiêu đề email: Nhật ký trong khu cách ly. Bạn đọc vui lòng cung cấp số điện thoại, thông tin tài khoản để toà soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Trân trọng cảm ơn bạn.